Đột quị: những điều cần biết

  •  
  • 511

Đột quị là bệnh cấp cứu rất thường gặp. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân (BN) không biết dấu hiệu báo trước đột quị, thường đến bệnh viện (BV) trễ hoặc có những xử trí tại nhà không đúng...

18% tử vong

Chăm sóc bệnh  nhân đột quỵ

Chăm sóc bệnh  nhân đột quỵ
(Ảnh: DanTri)

Ngày 26-4, tại Trung tâm đột quị BV Cấp cứu Trưng Vương (TP.HCM) có khoảng mười BN đang nằm điều trị. Các BN đều trong tình trạng hôn mê sâu phải hỗ trợ thở bằng oxy hoặc máy giúp thở.

Bà T.M.C., người nhà BN L.T.T. (64 tuổi, Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết ông T. đã hai lần bị đột quị nhưng ngày nào ông cũng uống rượu và hút thuốc rất nhiều. Ngày 23-4, trong lúc đang ngồi uống rượu, đột nhiên tay ông T. giật giật, người loạng choạng muốn té, bà vội đưa ông đến BV Trưng Vương. Bác sĩ Trần Quang Thắng - phó khoa nội thần kinh BV Trưng Vương - cho biết BN T. đang hôn mê, ở trong tình trạng rất nặng do bị đột quị tái phát. Bà M.C. nói rằng hai năm nay ông không dùng thuốc tây theo hướng dẫn của bác sĩ mà chỉ uống thuốc Trung Quốc, thuốc nam. 

Theo BS Quang Thắng, đột quị (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng một phần não bị hư hại đột ngột do mất máu nuôi, làm các tế bào não chết dần. Hậu quả là sẽ dẫn đến liệt nửa người, hôn mê hoặc tử vong. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỉ lệ mới mắc đột quị trong cộng đồng là 1,27-7,46%/năm.

Trên thế giới, tử vong do đột quị đứng hàng thứ ba, sau bệnh mạch vành và ung thư. Theo một nghiên cứu của BV Chợ Rẫy và Đại học Y dược TP.HCM thì tỉ lệ tử vong của đột quị là 18%. Đặc biệt, số BN đột quị từ các địa phương khác chuyển về hai đơn vị y tế này có tỉ lệ tử vong rất cao, lên đến 70%, nghĩa là cứ 100 BN đột quị có 70 trường hợp tử vong.

Năm triệu chứng nhận biết đột quị

1. Đột ngột yếu, tê mặt, tay, chân.
2. Đột ngột nhìn mờ đi hoặc mất thị lực.
3. Đột ngột khó nói hoặc không hiểu lời nói.
4. Đột ngột đau đầu dữ dội mà không biết nguyên nhân.
5. Chóng mặt, loạng choạng, té, không giải thích được lý do.

Khi BN có dấu hiệu đột quị hãy gọi điện thoại gấp số 115 để được xử trí sớm.

Không được chậm trễ!

Nguyên nhân của đột quị là do có tổn thương mạch máu gây xuất huyết não (mạch máu não bị vỡ) hoặc nhồi máu não (mạch máu não bị tắc). Trong số những BN còn sống sau đột quị, khoảng 50% phục hồi chức năng sống tốt, 50% còn lại bị tàn phế hoặc còn một vài tật để lại.

Để phát hiện sớm đột quị, bản thân người bệnh, người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp phải biết đây là bệnh lý cấp cứu và phải biết các triệu chứng của đột quị để kịp thời đưa BN đến BV cấp cứu.

BS Quang Thắng khuyên: khi BN bị đột quị cần chuyển cấp cứu đến BV càng nhanh càng tốt. Không nên xức dầu, cạo gió, cắt lể... vì không đem lại hiệu quả điều trị mà còn làm chậm trễ thời gian cấp cứu BN. Việc cấp cứu sớm có ý nghĩa rất quan trọng, do trong vài giờ đầu mới xảy ra đột quị thường có nhiều biến chứng đe dọa tính mạng BN nhưng có thể phòng ngừa hay điều trị được.

Các yếu tố nguy cơ

Theo BS Thắng, bệnh đột quị thường xảy ra ở người lớn tuổi, nam giới. Yếu tố dẫn đến đột quị nhiều nhất là tăng huyết áp, hút thuốc lá, tiểu đường, các bệnh lý tim (rung nhĩ, thiếu máu cơ tim...), xơ vữa động mạch, nhồi máu não cũ, cơn thoáng thiếu máu não, bệnh mạch máu ngoại biên...

Ngoài ra còn có một số yếu tố khác có thể gây đột quị là tăng mỡ máu, không vận động thể dục, béo phì, nghiện rượu, căng thẳng thần kinh... Nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa cao huyết áp và nguy cơ đột quị là rất lớn. Vì vậy, theo dõi và điều trị tăng huyết áp thường xuyên là biện pháp phòng ngừa đột quị tốt nhất. Sau cao huyết áp, tăng mỡ trong máu gây xơ vữa động mạch cũng dễ đưa đến đột quị.

Phòng ngừa tái phát

Nguy cơ đột quị tái phát ở những BN còn sống là 30% trong năm năm đầu sau đột quị. Vì vậy, với những BN bị bệnh đột quị, sau khi điều trị và xuất viện về nhà thì cần phải biết theo dõi tái phát bệnh. Theo BS Quang Thắng, để phòng ngừa đột quị, BN phải kiểm soát các yếu tố nguy cơ mạch máu (cao huyết áp, cholesterol, hút thuốc, tiểu đường).

Ngoài ra cần thay đổi cách sống và chế độ ăn uống. Ngưng hút thuốc lá sẽ giúp làm giảm nguy cơ bị đột quị. Tập luyện thân thể, giảm cân, ăn ít mỡ, nhiều trái cây, rau quả, hạn chế muối, dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ cũng là những việc cần thiết phải làm.

LÊ THANH HÀ

Theo Tuổi trẻ
  • 511