Việt Nam: Chưa có trường hợp bị lở mồm ở người

  •  
  • 245

Chiều 9/5, TS Nguyễn Văn Bình, Cục phó Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, từ trước tới nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh lở mồm long móng do tiếp xúc hoặc ăn thịt gia súc bị bệnh.

Trong số lợn này có con mắc bệnh lở mồm long móng.
Trong số lợn này có con mắc bệnh lở mồm long móng (Ảnh: VNN)
Tuy nhiên, một số tài liệu trên thế giới cũng chỉ ra rằng: Khả năng bệnh lở mồm long móng lây sang người là có, nhưng ở mức độ thấp và nhẹ.

Cũng theo ông Bình, khó phân biệt được thịt gia súc bị lở mồm long móng và thịt gia súc không bị bệnh, nhất là khi người ta đã bỏ đi những vùng thương tổn của con gia súc.

Do đó, biện pháp quan trọng nhất là tăng cường các hoạt động kiểm soát của chính quyền và thú y ở những vùng đang xảy ra dịch. Tuyệt đối không để người dân vận chuyển, buôn bán gia súc, sản phẩm gia súc lở mồm long móng từ vùng này sang vùng khác. Đồng thời, tiến hành vệ sinh, tiêu độc chuồng trại và môi trường. Trường hợp phải tiếp xúc với gia súc bị bệnh, nhất thiết phải có bảo hộ cá nhân.

Được biết, từ đầu năm đến nay, đã có 154 huyện, 433 xã thuộc 36 tỉnh phát hiện có trâu, bò, lợn bị lở mồm long móng. Tổng số trâu bò bị nhiễm bệnh là 26 nghìn con, lợn 10 nghìn 500 con và dê 47 con.

Theo nhận định của Cục thú y, dịch bệnh lở mồm long móng năm nay thực sự nghiêm trọng. Nguyên nhân do mầm bệnh tồn tại trong đàn gia súc. Các biện pháp như tiêu diệt, tập trung khoanh vùng, nghiêm cấm vận chuyển và tiêm phòng thực hiện chưa đồng bộ, có nơi làm được, có nơi không làm được, thành ra những con gia súc cứ giữ lại để chữa bệnh lại là những con mang chủng gieo rắc dịch bệnh.

Hơn nữa, việc buôn lậu qua biên giới vẫn tồn tại, mang theo những mầm bệnh không kiểm soát được. Cộng thêm bệnh lở mồm long móng có tính chu kỳ. Trong vòng 3 - 5 năm lại có một đợt dịch bùng phát do mầm bệnh tồn tại, đến một thời gian nào đó lại tái phát.

Lệ Hà

Theo VietNamNet
  • 245