Hướng dẫn sơ cứu và phòng tránh say nắng

  •  
  • 1.832

Nếu gặp một người bị say nắng, hãy đưa họ vào nơi râm mát hoặc có điều hòa, phủ khăn ẩm hay vẩy nước mát lên người họ.

Cách sơ cứu và phòng tránh say nắng

Say nắng (hay còn gọi là sốc nhiệt) là hình thái nghiêm trọng nhất của tổn thương do nhiệt và là một cấp cứu y học. Sốc nhiệt có thể giết hoặc gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể. Sốc nhiệt chủ yếu ảnh hưởng tới những người trên 50 tuổi nhưng nó cũng có thể tác động tới người trẻ khỏe.

Triệu chứng của say nắng

Triệu chứng đặc trưng của sốc nhiệt là nhiệt độ trung tâm của cơ thể cao hơn 40,5 độ C. Thường ngất xỉu có thể là dấu hiệu đầu tiên.

Các triệu chứng khác có thể gồm:

  • Đau nhói đầu.
  • Chóng mặt và choáng váng.
  • Không ra mồ hôi mặc dù thời tiết nóng.
  • Da đỏ, nóng và khô.
  • Yếu cơ hoặc chuột rút.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Nhịp tim/mạch nhanh, tim/mạch có thể đập mạnh hoặc yếu.
  • Thở nhanh và thở nông.
  • Thay đổi hành vi như lú lẫn, mất phương hướng hoặc có trạng thái sửng sốt.
  • Co giật.
  • Hôn mê.

Sơ cứu ban đầu với người say nắng

Hướng dẫn sơ cứu và phòng tránh say nắng
Để hạ nhiệt, nên áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ cho bệnh nhân say nắng. (Ảnh: Examiner).

Nếu bạn nghi ngờ ai đó bị say nắng, hãy gọi số điện thoại cấp cứu 115 ngay lập tức hoặc đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Trong khi đợi y tế đến, đưa bệnh nhân tới nơi có điều hòa hoặc ít nhất là chỗ râm mát và cởi bỏ các quần áo không cần thiết.

Nếu có thể, nên đo nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân rồi sơ cứu để hạ nhiệt độ cơ thể xuống còn 38,3-38,8 độ C. Trường hợp không có nhiệt kế, tiến hành sơ cứu ngay bằng các phương pháp làm mát sau:

  • Quạt và làm ướt da bệnh nhân bằng khăn ướt hoặc vòi nước.
  • Áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng bệnh nhân. Do các khu vực này có nhiều mạch máu gần với da cho nên việc làm lạnh chúng có thể làm giảm được nhiệt độ cơ thể.
  • Nhúng bệnh nhân vào vòi hoa sen hoặc bồn tắm có nước mát, hoặc bồn tắm nước đá.

Nếu hỗ trợ y tế tới muộn, bạn có thể gọi điện tới các phòng cấp cứu trong bệnh viện để được hướng dẫn thêm.

Một người đã hồi phục sau sốc nhiệt có thể nhạy cảm hơn với nhiệt độ cao trong các tuần sau đó. Vì vậy, tốt nhất, cần tránh thời tiết nóng và tập luyện nặng cho tới khi bác sĩ khẳng định bạn đã an toàn để quay lại các hoạt động bình thường.

Các yếu tố nguy cơ gây say nắng

Sốc nhiệt rất dễ ảnh hưởng tới người cao tuổi sống trong tại nơi không có điều hòa hoặc nhà không được thông khí tốt. Các nhóm nguy cơ cao khác bao gồm những người không uống đủ nước, có bệnh mạn tính hoặc uống quá nhiều bia rượu.

Sốc nhiệt có liên quan chặt chẽ với chỉ số nhiệt. Chỉ số nhiệt là một đại lượng đo lường bạn cảm thấy nóng như thế nào khi chịu ảnh hưởng từ độ ẩm tương đối kết hợp với nhiệt độ không khí. Độ ẩm không khí trên 60% làm cản trở việc bài tiết mồ hôi, do đó làm cản trở khả năng tự làm mát của cơ thể.

Nguy cơ mắc các rối loạn liên quan tới nhiệt tăng đáng kể khi chỉ số nhiệt leo lên trên 90 độ. Vì vậy, điều quan trọng (đặc biệt là trong đợt nóng) là chú ý tới chỉ số nhiệt được báo cáo và cũng cần nhớ rằng tiếp xúc hoàn toàn với ánh nắng mặt trời có thể làm tăng chỉ số nhiệt được báo cáo lên 15 độ.

Nếu bạn sinh sống ở khu vực đô thị, bạn có thể đặc biệt dễ bị sốc nhiệt trong đợt nóng kéo dài, đặc biệt nếu không có gió và chất lượng không khí kém. Hiện tượng “hiệu ứng đảo nhiệt” (nhựa đường và nhà kho bằng bê tông bị đốt nóng vào ban ngày và chỉ tỏa dần nhiệt vào ban đêm) làm cho nhiệt độ ban đêm cao hơn.

Các yếu tố nguy cơ khác kết hợp với các tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt bao gồm:

  • Tuổi: Trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 4 tuổi và người lớn trên 65 tuổi dễ bị tổn thương do nhiệt bởi họ thích nghi với nhiệt chậm hơn so với những người khác.
  • Tình trạng sức khỏe: Các bệnh lý tim, phổi hoặc thận, béo phì, thiếu cân, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tâm thần, bệnh hồng cầu hình liềm, nghiện rượu, bỏng nắng và bất cứ tình trạng nào gây sốt... đều rất dễ bị tổn thương do nhiệt.
  • Thuốc: Sử dụng các thuốc kháng histamin, thuốc giảm cân, thuốc lợi tiểu, thuốc an thần, các thuốc kích thích, thuốc chống động kinh, thuốc tim mạch và huyết áp và các thuốc điều trị bệnh tâm thần... làm tăng nguy cơ tổn thương do nhiệt. Ma túy cũng liên quan tới việc tăng nguy cơ bị sốc nhiệt.

Tuy nhiên, những người có bệnh đái tháo đường - có nguy cơ cao phải vào cấp cứu, nhập viện và tử vong do các rối loạn liên quan tới nhiệt, lại thường đánh giá thấp nguy cơ của họ trong đợt nóng.

Bạn hãy đi khám bác sĩ nếu thấy tình trạng sức khỏe và thuốc men của mình có thể ảnh hưởng tới khả năng đối phó với nhiệt độ và độ ẩm cao (đặc biệt trong các đợt nóng).

Hướng dẫn sơ cứu và phòng tránh say nắng
Làm việc ngoài trời khi nhiệt độ cao dễ có nguy cơ say nắng. (Ảnh minh họa: Quý Đoàn).

Cách phòng say nắng

​Khi nhiệt độ ngoài trời cao, bạn tốt nhất là ở trong môi trường điều hòa. Nếu phải đi ra ngoài, bạn có thể dự phòng sốc nhiệt theo các bước sau:

  • Mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng mầu, đội một chiếc mũ rộng vành kết hợp với sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng trên 30.
  • Uống nhiều nước để tránh mất nước, ít nhất là khoảng 8 cốc gồm nước lọc, nước trái cây hoặc nước rau... Vì các tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt cũng có thể là hậu quả của mất muối, do vậy khuyến khích bổ sung đồ uống thể thao giầu chất điện giải trong các đợt nóng.

Thực hiện các biện pháp dự phòng bổ sung khi tập luyện hoặc đi bộ ngoài trời, uống khoảng 710 ml nước trước 2 giờ tập luyện và cân nhắc bổ sung một cốc (khoảng 240 ml) nước hoặc đồ uống thể thao ngay trước khi tập. Trong khi tập, cứ mỗi 20 phút, bạn nên uống một cốc nước, ngay cả khi không cảm thấy khát.

- Thu xếp lại hoặc hủy bỏ các hoạt động ngoài trời. Nếu có thể, thay đổi thời gian ngoài trời của bạn sang một khoảng thời gian mát mẻ hơn trong ngày hoặc vào buổi sáng sớm hay sau khi mặt trời lặn.

Các biện pháp dự phòng sốc nhiệt khác bao gồm:

  •  Theo dõi màu sắc nước tiểu: Nước tiểu sẫm màu hơn là một dấu hiệu mất nước. Hãy đảm bảo uống đủ nước để duy trì nước tiểu có màu trong.
  •  Đánh giá trọng lượng trước và sau mỗi hoạt động thể lực. Theo dõi trọng lượng nước bị mất có thể giúp bạn xác định cần uống bổ sung bao nhiêu nước để bù lại.
  • Tránh chất lỏng có cafein hoặc cồn bởi vì cả hai chất này có thể khiến bạn mất nhiều dịch hơn và làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt. Ngoài ra, không uống thuốc muối khi không có chỉ định của bác sĩ. Cách dễ nhất và an toàn nhất để bổ sung muối và các điện giải khác trong đợt nóng là dùng đồ uống thể thao và các loại nước trái cây.
  • Bất thường về điện giải: Trong tình trạng mất nước, các bất thường về điện giải có thể xảy ra do các khoáng chất quan trọng (như natri, kali và clorua) bị mất khỏi cơ thể qua mồ hôi. Ví dụ, bệnh nhân bị tiêu chảy hoặc nôn nhiều có thể bị mất một lượng đáng kể kali, gây yếu cơ và rối loạn nhịp tim.
  • Đi khám bác sĩ trước khi tăng chế độ uống nước hàng ngày nếu bạn có bệnh gan, thận, tim hoặc động kinh (là những bệnh lý cần hạn chế uống nước), hoặc có vấn đề về tích nước.

Nếu nhà bạn không có quạt hoặc điều hòa, vào khoảng thời gian nóng nhất trong ngày, nên tới nơi có điều hòa không khí (như siêu thị, bưu điện, ngân hàng, thậm chí nhà hàng xóm...) hoặc những nơi râm mát... Tại nhà, cần đóng cửa rèm, che chắn cửa, hoặc hạ mành... khi nắng nóng và mở cửa sổ vào ban đêm ở hai cạnh của ngôi nhà để tạo sự thông gió.

Làm sao để cơ thể không mất nước khi nắng nóng?

Thực tế, không có tiêu chuẩn nào về lượng nước lọc mà người lớn, trẻ em nên uống hàng ngày. Việc bổ sung tùy thuộc vào trọng lượng cơ thể, khí hậu...Bên cạnh đó, chúng ta cần chọn các loại thực phẩm phù hợp với ngày hè để giúp tinh thần và thể chất luôn ở trong trạng thái khỏe mạnh, theo Everydayhealth.

Uống một cốc nước khi thức dậy: Sau giấc ngủ dài 6-8 tiếng, cơ thể thức dậy trong tình trạng mất nước. Lúc này, một cốc nước ấm giúp cơ thể giải độc tố tích tụ, tăng độ ẩm cho da.

Ăn thực phẩm cung cấp nước: Các loại trái cây như dâu tây, dưa hấu và các loại rau như rau diếp, bắp cải, cần tây, rau bina... chứa khoảng 90% nước. Các sản phẩm từ sữa, bao gồm sữa, sữa chua, pho mát cũng là nguồn cung cấp nước dồi dào.

Uống nhiều nước khi nắng nóng và khi ốm: Trường hợp trẻ em, người lớn sốt, tiêu chảy, nôn nhiều, mất nước nhẹ và vừa cần bù nước, điện giải. Người làm việc môi trường nắng nóng, vận động thể lực nhiều gây ra mồ hôi cũng mang theo nước điện giải, bổ sung khi cần thiết.

Tăng cường uống nước và các thực phẩm giàu nước trong những ngày hè
Tăng cường uống nước và các thực phẩm giàu nước trong những ngày hè.

Bổ sung nước khi vận động: Uống nước trong các hoạt động chơi thể thao, đi bộ đường dài là điều cần thiết. Người chạy nên uống 30 ml nước vào khoảng 2 giờ trước khi chạy kết hợp bữa ăn nhẹ. Khoảng 15 phút trước khi chạy, bạn uống một cốc nước.

Nếu chạy hơn một giờ, bạn uống nước đều đặn, lượng nước cung cấp thay đổi tùy theo tỷ lệ mồ hôi. Những người đổ mồ hôi nhiều, cứ 15 phút bạn có thể cần 30 ml. Sau khi chạy, người chạy bổ sung nước, kèm bữa ăn nhẹ và trái cây.

Bảo vệ cơ thể trước ánh nắng mặt trời: Vào mùa hè, nhiệt độ cao, bạn hãy mặc quần áo rộng, nhẹ, có màu sáng; lên lịch các hoạt động thể dục thể thao gắng sức vào những thời điểm mát mẻ hơn trong ngày. Bạn bảo vệ bản thân khỏi ánh nắng mặt trời bằng mũ, kính.

Điều quan trọng cần lưu ý, tình trạng mất nước không diễn ra nhanh chóng và việc điều chỉnh lại sự thiếu hụt chất lỏng, cho phép chất điện giải tự phân bổ lại một cách thích hợp trong các không gian khác nhau trong cơ thể cũng mất hàng giờ. Do đó, nếu việc bù nước được thực hiện quá chậm, bệnh nhân có thể bị hạ huyết áp và sốc quá lâu. Nếu thực hiện quá nhanh, nồng độ nước và chất điện giải trong các tế bào cơ quan có thể bị ảnh hưởng tiêu cực, khiến các tế bào sưng lên và cuối cùng bị hư hỏng.

Cập nhật: 21/06/2022 Theo VnExpress/Trí Thức Trẻ
  • 1.832