Phân biệt tác dụng phụ và tai biến do văcxin

  •  
  • 1.467

Sau vụ tai biến sau tiêm chủng ở TP HCM, số trẻ nhập viện do các biểu hiện khác lạ khi tiêm phòng tăng lên. Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia Đỗ Sĩ Hiển cho biết, phần lớn các triệu chứng đó chỉ là tác dụng phụ.

Theo ông Hiển, khi tiêm chủng, văcxin sẽ kích thích hệ thống miễn dịch chủ động phòng bệnh. Phản ứng tại chỗ, sốt và các triệu chứng toàn thân có thể là những biểu hiện bình thường của cơ thể để đáp ứng miễn dịch. Các phản ứng này biểu hiện ra ngoài thành triệu chứng nặng hay nhẹ khác nhau, thường gặp là đau, sưng, đỏ, sốt cao trên 38 độ C, phát ban, tiêu chảy, nhức đầu, đau cơ...

Phản ứng của một số loại văcxin.

 - Văcxin ngừa bại liệt có thể gây sốt bại liệt (tỷ lệ 1/5-1/8 triệu).

- Văcxin ngừa sởi + quai bị + rubella có thể gây phát ban, sốt nhẹ, nổi hạch, sưng khớp (tỷ lệ 1/2-1/5); viêm não, co giật (rất hiếm).

- Văcxin ngừa lao có thể gây viêm hạch mủ, áp xe dưới da (tỷ lệ 1-2%)…

Có đến 90-95% số trẻ sau khi tiêm văcxin phòng bệnh lao có các phản ứng tại chỗ như đau, sưng, đỏ. Khi tiêm văcxin ho gà thì có đến một nửa số trẻ tiêm có các triệu chứng trên. Những triệu chứng này hoàn toàn bình thường và có thể tự xử lý rất đơn giản: chườm lạnh để giảm đau, dùng thuốc paracetamol theo chỉ định để hạ sốt, lau mình, mặc quần áo mát, tắm nước ấm nếu các cháu có cảm giác khó chịu. Nên thực hiện các biện pháp bù dịch khi trẻ bị tiêu chảy.

Sốc hay tai biến sau tiêm rất hiếm khi xảy ra, thường có các biểu hiện như sốc phản vệ, phản ứng quá mẫn cấp tính, khóc thét dai dẳng, giảm trương lực, giảm phản xạ... Trong những trường hợp này, cha mẹ cần hết sức bình tĩnh, đưa con đến bệnh viện để khám và có cách điều trị thích hợp. Phản ứng sốc nặng cũng có thể qua khỏi nếu điều trị thích hợp.

Cũng theo ông Hiển, phản ứng nặng hay nhẹ của cơ thể đối với văcxin có thể do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do bản chất của văcxin, một hay một số thành phần, tá dược của văcxin gây phản ứng trong cơ thể.

Chất lượng dịch vụ tiêm cũng có thể dẫn đến một số triệu chứng bất thường. Mũi tiêm không vô khuẩn có thể gây áp xe, viêm mô tế bào, nhiễm trùng huyết, hội chứng sốc nhiễm độc, lây bệnh qua đường máu. Khâu chuẩn bị văcxin không đúng quy trình, vị trí tiêm không chính xác cũng có thể gây phản ứng tại chỗ hoặc áp xe, tổn thương dây thần kinh. Ngoài ra, những sai sót trong quá trình vận chuyển và bảo quản văcxin hay việc nhân viên y tế không quan tâm đến chống chỉ định khi tiêm cũng sẽ gây ra những triệu chứng bất thường.

Các phản ứng sau tiêm chủng có khi chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Trường hợp này có thể xảy ra đối với một số trẻ có tiền sử dị ứng thuốc, có các bệnh bẩm sinh (như bệnh tim), bị sốt nhiễm trùng nặng chưa được phát hiện.

Bên cạnh đó, tâm lý trẻ cũng ảnh hưởng đến những phản ứng sau tiêm. Sự lo sợ khi tiêm chủng có thể dẫn đến những triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, cảm giác tê xung quanh miệng và bàn tay, đôi khi nhầm với dị ứng. Tình huống này khi xảy ra ở một trẻ có thể lan ra cả nhóm, nhất là khi có một trẻ bị ngất xỉu hoặc bị phản ứng khác.

Ngoài ra, có nhiều trường hợp phản ứng với văcxin mà đến nay chưa xác định được nguyên nhân.

Tiến sĩ Hiển cho rằng, để hạn chế tối đa những tác dụng không mong muốn khi tiêm văcxin, cần đảm bảo chất lượng văcxin và nâng cao chất lượng dịch vụ tiêm chủng. Riêng các bậc cha mẹ, trước khi đưa con đi tiêm, cần nói rõ tình trạng sức khoẻ của con với bác sĩ, xin chỉ định có nên tiêm hay không. Đồng thời cũng nên hỏi cụ thể về các phản ứng có thể xảy ra và cách xử lý. Không nên mời y tá, bác sĩ đến nhà tiêm vì trong quá trình di chuyển, chất lượng văcxin có thể không được bảo đảm, mà điều này rất nguy hiểm. Nên động viên và tạo niềm tin cho con để bé bớt sợ, giảm áp lực tâm lý.

Những trường hợp không nên đưa con đi tiêm là: sốt nhiễm trùng nặng, tiền sử có dị ứng với thành phần của văcxin. Tốt nhất, nên cho con đi khám trước để được bác sĩ hướng dẫn cụ thể.

Minh Thuỳ

Theo Vnexpress
  • 1.467