Giảm sốt xuất huyết bằng vi khuẩn

  •  
  • 325

Hiện chỉ riêng các tỉnh thành phía Nam đã có trên 20.000 người mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ 2005. Trong bối cảnh đó, người ta hi vọng nhiều vào một công trình nghiên cứu kéo dài bốn năm bắt đầu từ tháng chín này: giảm vòng đời của muỗi gây bệnh bằng... vi khuẩn. Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)- TS Vũ Sinh Nam nói với Tuổi Trẻ:

- Công trình nghiên cứu này do Quĩ Bill & Melinda Gates (do tỉ phú người Mỹ Bill Gates sáng lập - PV) tài trợ thông qua ĐH Queensland (Úc). Mục đích chính là đi tìm một tác nhân sinh học mới, là một loài vi khuẩn có tên Wolbachia để giảm SXH. Loài vi khuẩn này sống ký sinh trên muỗi, làm tuổi thọ của muỗi ngắn đi.

Trung bình tuổi thọ của muỗi kéo dài một tháng. Từ ngày tuổi thứ 12, cứ 3-4 ngày muỗi chích một lần. Đây là giai đoạn muỗi có thể làm lây lan bệnh (như SXH). Nhưng nếu có vi khuẩn nói trên ký sinh, muỗi chỉ sống được 12 ngày và nó sẽ không có cơ hội làm lây lan bệnh tật cho con người.

* Hướng nghiên cứu chính của dự án là gì, thưa ông?

- Dự án sẽ chủ yếu nghiên cứu về gen, di truyền và tác động của Wolbachia. Ví dụ như xem có con Wolbachia này ở VN không, nó có sống ký sinh trên muỗi không, có khả năng ứng dụng ở VN không... Tất nhiên đây chỉ là nghiên cứu, với những ý tưởng ban đầu.

Một điều mà chúng tôi cũng cần tìm hiểu nữa là trước đây ở miền Bắc, nhất là tại các thành phố, chỉ có loài muỗi gây SXH Ae. aegypti (vì thế người ta gọi loài muỗi này là muỗi... thành phố). Trong trận dịch SXH năm 1987 chỉ thấy loại muỗi này.

Nhưng hiện nay thì không thấy chúng ở nhiều nơi, thay vào đó là loài muỗi Ae. albopictus có khả năng lây lan bệnh thấp hơn. Vì thế, nghiên cứu cũng sẽ đi tìm nguyên nhân của vấn đề nói trên, đặc biệt là xem có Wolbachia ký sinh trên muỗi và tạo thành hiện tượng như thế không? Nếu nghiên cứu thành công, chúng tôi sẽ áp dụng tại VN từ 2010.

* Nếu tìm thấy Wolbachia ký sinh trên một số con muỗi gây bệnh, cách nào để nhân rộng nó, từ đó làm giảm vòng đời của muỗi, thưa ông?

- Wolbachia sống trong tự nhiên và cũng ký sinh tự nhiên trên muỗi. Trong trường hợp tìm thấy, chúng tôi sẽ khoanh vùng để thả tự nhiên, từ đó để nó ký sinh tự nhiên vào muỗi. Nếu cả muỗi đực và muỗi cái nhiễm Wolbachia, chúng sẽ sinh ra muỗi con có vòng đời rất ngắn.

* Trước khi bắt đầu dự án này tại VN, nghiên cứu đã được tiến hành tại Úc và một số nước khác. Hiệu quả ra sao, thưa ông?

- Tại Úc, các nhà khoa học mới theo dõi trong phòng thí nghiệm về sự ký sinh của Wolbachia trên ruồi giấm. Kết quả cho thấy vòng đời của ruồi giấm cũng rất ngắn... Ở nghiên cứu này, không chỉ VN nghiên cứu mà các nhà khoa học Úc, Thái Lan, Nhật Bản cũng tiến hành các nghiên cứu tương tự tại nước họ.

* Câu hỏi cuối, thưa ông. Có phải chúng ta bất lực với dịch SXH ở phía Nam? Lý do nào làm số người mắc SXH ở các tỉnh phía Nam luôn cao và làm nhiều người chết mỗi năm?

- Tôi biết rất nhiều người muốn hỏi câu hỏi này: Tại sao SXH ở miền Nam lại dai dẳng? Nếu mùa dịch 1998, 1/2 số người mắc SXH sống ở miền Bắc, miền Trung và Tây nguyên thì nay trên 90% số người mắc tập trung ở phía Nam. Người mắc SXH phía Bắc đã giảm rất mạnh, chỉ còn vài chục người mắc bệnh mỗi năm.

Cái khó là khí hậu miền Nam quanh năm phù hợp cho muỗi sinh sôi, quần thể muỗi ở VN còn rất lớn do các dự án phòng chống đều ở qui mô nhỏ. Chưa kể người đã mắc SXH chỉ có miễn dịch với type virus đó, và vẫn có khả năng mắc SXH do các type virus còn lại.

Vừa qua tại các tỉnh phía Nam, rất nhiều người mắc SXH lần hai với triệu chứng bệnh rất nặng. Chúng tôi gọi đó là “hiệu ứng tăng cường”. Một vấn đề nữa là phòng chống SXH phải ở từng gia đình và công việc này chỉ có thể có hiệu quả nếu các gia đình tự nguyện tham gia.                        

LAN ANH

Theo Tuổi trẻ
  • 325