Điều trị són tiểu

  •  
  • 671

Nhiều người có triệu chứng nước tiểu thoát ra một cách tự nhiên mà không kiểm soát được. Nhưng vì xấu hổ và cho rằng điều này không ảnh hưởng đến sức khỏe nên họ chấp nhận sống chung với "sự ẩm ướt" mà không điều trị.

Khám niệu độc lực học cho một phụ nữ mắc chứng són tiểu.
Khám niệu động lực học một phụ nữ mắc chứng són tiểu. (Ảnh: M.L)

Bác sĩ Nguyễn Văn Nhàn, chuyên gia Niệu động lực học tại bệnh viện FV TP HCM cho biết, triệu chứng nước tiểu thoát ra theo đường tự nhiên nhưng không kiểm soát được gọi là "són tiểu". Hiện tượng này thường xảy ra khi có tình trạng gia tăng áp lực trong ổ bụng như cười to, hắt hơi, ho mạnh, khiêng vật nặng, hoặc khi chơi thể thao (tennis, chạy bộ, bóng chuyền, bóng rổ…). Són tiểu không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như không bị di chứng gì về sau nhưng có thể gây viêm nhiễm đường sinh dục vì luôn trong tình trạng ẩm ướt.

Cũng theo bác sĩ Nhàn, có đến 10- 20% phụ nữ trong cộng đồng mắc triệu chứng "són tiểu". Phụ nữ sau khi sinh hoặc từ 55 tuổi trở lên dễ mắc nhất. Do vùng tầng sinh môn phụ nữ có cấu trúc đặc biệt nên dễ bị ảnh hưởng trong quá trình mang thai hay ảnh hưởng về nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh. Các ảnh hưởng đó làm mềm và nhão mô tế bào vùng cơ quan niệu - sinh dục gây nên són tiểu. Những phụ nữ trẻ làm việc căng thẳng, thường chơi thể thao nặng hoặc nghỉ ngơi quá ít sau kỳ thai sản cũng thường gặp triệu chứng này.

Có 2 loại són tiểu thường gặp:

- Một là tiểu không kiểm soát được do gắng sức. Thường xảy ra ở phụ nữ do sự suy yếu của các cơ vùng tầng sinh môn và cơ thắt kiểm soát sự đi tiểu. Dưới ảnh hưởng gia tăng áp lực ổ bụng, nước tiểu tự động thoát ra ngoài.

- Hai là tiểu không kiểm soát do bàng quang (bọng đái) không ổn định hoặc hoạt động quá mức hoặc do bế tắc đường tiểu, thường xảy ra ở đàn ông lớn tuổi. Phì đại tiền liệt tuyến (bướu tiền liệt tuyến) là bệnh lý thường đưa đến hiện tượng này.

Hiện nay, đa số các trường hợp són tiểu có thể chữa trị khỏi. Có những trường hợp bệnh nhân chỉ cần tập các động tác nhằm tăng cường sức cơ của cơ quan kiểm soát sự đi tiểu theo lời khuyên của bác sĩ là đã có thể giải quyết được. Những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ sẽ thực hiện các thăm khám và làm xét nghiệm đầy đủ bằng các kỹ thuật chẩn đoán chuyên môn (gọi là Niệu động lực học). Căn cứ trên kết quả để chỉ định điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật.

Với tiểu không kiểm soát do gắng sức thường xảy ra ở phụ nữ dưới ảnh hưởng gia tăng áp lực ổ bụng, chỉ cần giảm các yếu tố gắng sức phối hợp với tập luyện tăng cường sức cơ vùng hội âm là có thể giảm hoặc loại trừ hẳn hiện tượng này. Sau khi thực hiện luyện tập theo chỉ dẫn của bác sĩ mà bệnh vẫn không thuyên giảm, kéo dài bác sĩ chuyên khoa mới cho chỉ định điều trị bằng phẫu thuật. Phổ biến nhất hiện nay là phẫu thuật đặt miếng nâng đỡ niệu đạo (TVT - TOT) chỗ cơ thắt kiểm soát đi tiểu. Phẫu thuật này qua đường tự nhiên rất nhanh (xuất viện sau 24 giờ) và không đau. 90% phụ nữ khỏi bệnh hoàn toàn sau khi được phẫu thuật.

Riêng với tiểu không kiểm soát do bế tắc đường tiểu bởi bướu tiền liệt tuyến, có thể được điều trị nội khoa bằng thuốc. Nếu trường hợp nặng sẽ được phẫu thuật để lấy đi bướu gây tắc nghẽn đường tiểu. Với trường hợp bàng quang hoạt động quá mức, điều trị bằng thuốc thất bại, bác sĩ có thể tiêm thuốc vào bàng quang qua nội soi (Toxine botulique A) để điều trị. Với kỹ thuật này bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân, bác sĩ thực hiện khoảng 30 phút. Bệnh nhân có thể xuất viện ngay trong ngày.

Vì đa số phụ nữ rất hay gặp bệnh són tiểu này, do đó, khi thấy có dấu hiệu són tiểu hãy ghi lại thời gian và hoàn cảnh xảy ra các triệu chứng. Và nên đến bác sĩ chuyên khoa niệu để được khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Vì triệu chứng són tiểu có thể xảy ra với bất kỳ người nào từ nam giới, nữ giới, người già đến trẻ em.

"Mặc dù nó không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, sự tự tin và cuộc sống gia đình của nhiều người", bác sĩ Nhàn khuyến cáo.

Mỹ Lan

Theo Vnexpress
  • 671