Đồng bằng sông Cửu Long nguy cơ ngập chìm dưới biển

  •  
  • 5.018

Các đồng bằng châu thổ vốn là các vùng đất thấp ven biển nên chịu nguy cơ rất cao khi nước biển dâng do biến đổi khí hậu, Đồng bằng sông Cửu Long cũng không phải ngoại lệ.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, diện tích ngập ở Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2100 có khả năng chiếm khoảng 39% toàn diện tích Đồng bằng này.

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là bức tranh xấu nhất bởi còn chưa xét tới nền đất cũng bị lún xuống theo thời gian, vì nền đất dưới các châu thổ đều rất mềm yếu và liên tục bị co rút lại.

Nền đất bị lún làm tăng tốc độ chìm ngập

Hiện nay, quá trình lún được phân chia thành lún nông và lún sâu. Lún sâu chủ yếu liên quan đến quá trình bơm rút nước ngầm quá mức, làm vỉa nước bị xẹp xuống và dẫn tới hạ thấp các tầng đất bên trên gây hậu quả là bề mặt đất cũng bị hạ lún xuống.

Khi ngừng hoặc giảm mức độ khai thác thì tốc độ lún sâu cũng sẽ giảm dần. Lún nông liên quan tới quá trình nền đất cố kết tự mất nước và co nén tự nhiên, diễn ra phức tạp theo cấu tạo các trầm tích Holocen.

Dưới nền châu thổ, ở tầng sâu là các lớp trầm tích cổ tương đối chặt và có chứa các vỉa nước ngầm thường được khai thác, còn bên trên là những trầm tích trẻ hơn dạng bùn chảy nhão.

Đồng bằng sông Cửu Long nguy cơ ngập chìm dưới biển
Mũi Cà Mau, cực Nam của Tổ quốc Việt Nam. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Theo thời gian, do ảnh hưởng trọng lực bản thân mà các trầm tích trẻ này bị nén và ép thoát nước, làm cho thể tích khối của chúng bị giảm đi dẫn tới mặt đất liên tục bị hạ thấp. Tốc độ hạ bề mặt đất do lún nông tuy chậm, khó phát hiện thấy trong thời gian ngắn trên một đồng bằng rộng lớn nhưng tích lũy lâu dài thì nó là yếu tố chính, liên quan chặt chẽ tới sự tồn tại hay mất đi của một châu thổ.

Theo tiến sỹ Lê Xuân Thuyên, Trung tâm Nghiên cứu Đất ngập nước thuộc Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả đo lún nông tại 3 vị trí ven biển dưới rừng ngập mặn, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy tốc độ lún khá nhanh.

Cụ thể là 26,3mm/năm tại Cần Giờ, 14,2mm/năm tại cửa Sông Hậu và 23,4mm/năm tại Mũi Cà Mau. Đây là những khu vực có quy mô khai thác nước ngầm còn ít nên tốc độ lún sâu còn thấp, nhưng tốc độ lún nông thì khá cao.

Đặc biệt, tại những nơi đất trống mà cây rừng ngập mặn chưa phục hồi thì tốc độ lún lớn hơn 1,6 lần, so với tốc độ lún ở khu vực rừng còn nguyên vẹn ở bên cạnh. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của rừng ngập mặn trong việc làm giảm tốc độ lún hạ mặt đất.

Các kết quả đo quá trình lún đều cho thấy, tốc độ dâng nước hay chìm ngập thực tế là giá trị tổng gồm tốc độ lún và tốc độ dâng nước biển, thì tốc độ dâng nước thực tế ở Đồng bằng sông Cửu Long đang nhanh hơn 2 đến 6 lần so với tốc độ nước biển dâng trung bình trên toàn Biển Đông.

Giải pháp lâu dài hạn chế ảnh hưởng lún

Cũng theo tiến sỹ Lê Xuân Thuyên, tăng cường tận dụng phù sa là một trong những giải pháp hạn chế ảnh hưởng lún. Châu thổ sông Cửu Long được hình thành từ phù sa sông, điều này vẫn đang tiếp diễn rất rõ ở vùng ngập lũ. Tuy vậy, quá trình này đang bị can thiệp quá nhiều và ở vùng ngập lũ thì phù sa phần lớn lắng đọng chủ yếu trong lòng kênh rạch như ở Tứ Giác Long Xuyên.

Một lượng lớn phù sa lắng đọng sau đó được đưa lên đồng ruộng lại nhờ quá trình bơm tưới nước để trồng lúa. Vì vậy, cần quản lý tốt hoạt động thủy lợi để tăng cường phù sa lắng đọng trên đồng ruộng, về lâu dài sẽ góp phần nâng cao nền đất mà sẽ không làm tăng chi phí đáng kể.

Bên cạnh đó, việc khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm là điều không thể tránh khỏi song cần phải tính toán để sử dụng hợp lý hơn, hay hạn chế sử dụng nước ngầm khi nguồn nước mặt ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện còn có thể khai thác. Bởi khai thác quá mức sẽ làm tăng tốc độ lún. Ngoài ra, chất lượng nước ngầm ở khu vực này cũng có nguy cơ tích lũy thạch tín cao ở các tầng nước.

Duy trì nguồn bùn cát nuôi dưỡng rừng ngập mặn cũng là một trong những giải pháp quan trọng hạn chế tốc độ lún. Rừng ngập mặn có vai trò phòng hộ là rất quan trọng, nhưng đất rừng cũng bị lún nhanh và để rừng có thể chống chịu với sóng gió, nước biển dâng thì chúng luôn cần bồi bổ bùn cát. Do vậy, cần hạn chế các hành động ngăn chặn dòng triều đưa bùn cát vào rừng để đắp đê, đập chặn dòng. Điều này cũng là duy trì sự tương tác, trao đổi chất giữa rừng ngập mặn với vùng nội địa và vùng biển ven bờ.

Theo TTXVN/Vietnam+
  • 5.018