Dự án cứu nguy sự sống hành tinh

  •  
  • 766

Dự án Liên kết Cứu nguy nền văn minh nhân loại (ARC - Alliance to Rescue Civilization) xuất phát từ mối quan ngại về nguy cơ xảy ra một thảm họa toàn cầu. Con người sẽ xây dựng một căn cứ bảo tồn trên mặt trăng để duy trì sự sống trên trái đất.

Thảm họa toàn cầu có thể xảy ra bất cứ lúc nào

Thảm họa toàn cầu có thể xảy ra bất cứ lúc nào (Ảnh: photobucket)

Khi những đám mây bụi từ thảm họa hạt nhân toàn cầu của Thế chiến thứ 3 bắt đầu lắng dịu, nền văn minh nhân loại bị hủy diệt hoàn toàn, và trái đất sẽ trở thành một tinh cầu giá lạnh... Một tình tiết trong phim khoa học viễn tưởng chăng? Không, đây là giả thuyết và cũng là động cơ của cuộc gặp cấp cao hồi tháng 6 vừa qua giữa 5 thủ tướng các nước vùng Scandinavia tại một hòn đảo băng giá thuộc lãnh thổ Na Uy.

Mục tiêu chính của cuộc gặp khác thường này là để thông qua khoản kinh phí 4,8 triệu USD cho dự án vượt qua ngày tận thế nhằm lưu trữ các giống loài thiết yếu cũng như sự sống và tri thức nhân loại trong trường hợp xảy ra một thảm họa toàn cầu...

Ngân hàng bảo tồn

Ý tưởng ARC được những người chủ trương coi như giải pháp phòng bị cho ngày tận thế, theo đó các bản sao ADN sự sống trên trái đất và nền tri thức nhân loại sẽ được lưu giữ trong các kho chứa đặc biệt dành riêng cho từng chủng loài. Thực ra, đây là bước tiếp theo của kế hoạch bảo tồn các giống loài quý hiếm vừa mới được thiết lập tại Anh. Ngân hàng di truyền có tên Frozen Ark này sẽ lưu trữ, bảo quản các mẫu ADN của những loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng như linh dương châu Phi sừng thẳng, bọ cánh cứng Seychelle và dế đồng cỏ của Anh...

Nhưng sau đó các nhà khoa học đã hướng sự tập trung vào khả năng xảy ra một thảm họa toàn cầu, như sự va chạm của một thiên thạch hay nguy cơ về một “mùa đông hạt nhân” sau Thế chiến thứ 3... Và, ngân hàng này còn lưu giữ các phương cách chữa trị bệnh về sinh sản, đông lạnh trứng và tinh trùng...

ARC là kế hoạch dự trù cho tình trạng mong manh của sự sống và nền văn minh trên trái đất; bởi lẽ, con người đã từng đối diện với rất nhiều thảm họa có tính hủy diệt lớn, cả dịch bệnh, thiên tai lẫn thảm họa hạt nhân. “Nguy cơ về ngày tận thế có thể hơi cường điệu, nhưng chúng ta nên tỉnh táo để hành động càng sớm càng tốt - Robert Shapiro - GS danh dự ĐH New York nói. Vì khi không cần đến, chúng ta sẽ có một bảo tàng lưu giữ các giống loài thuộc loại độc nhất vô nhị cho hậu thế...”.

Mô hình dự án Liên kết Cứu nguy nền văn minh nhân loại
Mô hình dự án Liên kết Cứu nguy nền văn minh nhân loại (ARC - Alliance to Rescue Civilization)
(Ảnh: photobucket)

Chiếm lĩnh mặt trăng

GS Robert Shapiro - một chuyên gia sinh hóa, là người đưa ra ý tưởng về việc bảo tồn sự sống trên trái đất ngoài không gian và đã nhận được sự chia sẻ của chủ tịch ủy ban NASA Ray Erikson và William E. Burrows, giám đốc Chương trình Thông tin môi trường, sức khỏe và khoa học thuộc ĐH New York.

Vào năm 1999, trên một tạp chí chuyên đề về thiên văn học, hai ông Shapiro và Burrows đã có những bài viết đề xuất kế hoạch cứu nguy nền văn minh nhân loại, theo đó sẽ sử dụng các khả năng ngoài vũ trụ như trạm không gian, Mặt trăng và sao Hỏa... để bảo vệ loài người. Hồi tháng 7 vừa qua, trong cuốn Mệnh lệnh sống còn: Hãy sử dụng không gian để bảo vệ trái đất (The Survival Imperative: Using Space to Protect Earth), nhà vật lý Stephen W. Hawking cũng cho rằng “sự sống còn của loài người phụ thuộc vào việc quyết định thời điểm rời khỏi trái đất...”.

Và kế hoạch ARC cũng nhận được sự quan tâm của tướng Buzz Aldrin, người thứ hai đi bộ trên mặt trăng. “Đó là lý do chính để phải lên Mặt trăng – ông nói. Mặc dù trên thực tế, đó là một nơi tồi tệ, nhưng đây là chọn lựa cần thiết để bảo đảm cho tương lai nhân loại, vì trái đất đã không còn là nơi ở lý tưởng...”

Sở dĩ các nhà khoa học chọn chị Hằng là vì đây là mục tiêu rất dễ tiếp cận, chỉ mất khoảng 4 ngày là có thể đến nơi. Nhưng nếu Mặt trăng không thỏa mãn các yêu cầu cần thiết cho việc bảo tồn sự sống, một chọn lựa khác có thể sẽ là sao Hỏa, nhưng hành tinh đỏ lại không phải là nơi để bắt đầu. “Những gì chúng ta nên làm trong lúc này là di cư sự sống Mặt trăng, và sau đó rút kinh nghiệm từ những sai làm xảy ra ở Trái đất – Burrows nói. Kế hoạch tiếp theo có lẽ là phần tham vọng nhất của ARC, là chiếm cứ Mặt trăng làm thuộc địa với một lượng dân số trẻ nhất cùng những giống loài động-thực vật đã được chọn lựa...”.

Bắt tay vào dự án

Tại trung tâm nghiên cứu hàng không Omaha và căn cứ quân sự Stamford, Connecticut, Burrow cùng các đồng sự bắt đầu những việc đầu tiên cho giải pháp bảo vệ loài người. Đó là tiến hành lấy mẫu bản sao dự phòng tất cả mọi sự sống trên Trái đất. Kế đến là sẽ thông qua dự án xây dựng một thuộc địa trên mặt trăng, nơi một ngân hàng di truyền hay đĩa cứng khổng lồ chứa đựng sự sống của loài người. Một số người sẽ còn khuyến khích nên định cư vĩnh viễn ở thuộc địa này.

Trong khi đó, ngân hàng đông lạnh Frozen Ark, nơi lưu giữ hàng loạt bản sao di truyền của các loài bị đe dọa, cũng đang được phát triển tại Anh. Frozen Ark có thể cho phép nhân dòng vô tính các loài tuyệt chủng trong tương lai như gấu trúc panda hay... phục sinh nền văn minh nhân loại từ các mẫu ADN của người. Barcoding of Life, dự án được thành lập hồi năm ngoái với mục đích thu thập mã di truyền đặc trưng của mỗi giống loài động thực vật trên hành tinh, có khoảng 10 triệu loài tất cả sẽ được lưu trữ.

Và, ngân hàng hạt giống Seed Bank sẽ thu thập các giống cây trồng ở các quốc gia Bắc Âu, trước mắt sẽ do Ngân hàng hạt giống quốc Na Uy bảo quản. Theo các nhà nghiên cứu ở đây thì có khả năng ngân hàng này sẽ được cất giấu trong một cái hang trên đảo Spitsbergen ở Bắc Cực, chắc chắn sẽ an toàn sau một thảm họa hạt nhân.

Trở ngại

Theo GS Burrows, cản trở đầu tiên cho việc xúc tiến kế hoạch là kinh phí. “Khó có thể nói con số chính xác về khoản kinh phí cho dự án phiêu lưu đầy tham vọng này, có thể hàng tỉ tỉ đôla. Nhưng bạn nghĩ gì khi khoản tiền hoang phí rót cho cuộc chiến Iraq trở thành gánh nặng cho ngân sách quốc gia, góp phần vào tình trạng thâm hụt ngân quỹ lớn nhất lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ? – ông nói. Vậy thì tại sao không dành sự ưu tiên cho kế hoạch này?”.

Đào Hùng tổng hợp

Theo Người lao động
  • 766