Du khách lên Mặt Trăng đối mặt nguy cơ sức khỏe khó lường

  •  
  • 2.247

Không ngừng nôn mửa, mặt sưng húp và thường xuyên có nhu cầu đi tiểu là những nguy cơ đe dọa sức khỏe mà du khách trên hành trình bay lên Mặt Trăng có thể phải đối mặt.

Trong tuần này, SpaceX đã công bố kế hoạch đưa 2 du khách bay xung quanh Mặt Trăng vào cuối năm 2018. Các chuyên gia cho biết du khách tham gia chuyến du lịch đặc biệt này có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe, tuy không nhiều và thời gian ảnh hưởng không kéo dài.

Trạng thái say trong không gian

"Giống như cảm giác của nhà du hành vũ trụ khi đi bay vào không gian, họ (các du khách) có thể bị chóng mặt (giống chứng say tàu xe) nặng", AFP dẫn lời Daniel Grant đến từ Trung tâm Độ cao và Y học Môi trường Vũ trụ tại London cho biết.

Du khách tham gia chuyến du lịch đặc biệt này có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe.
Du khách tham gia chuyến du lịch đặc biệt này có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe.

Theo kế hoạch của SpaceX, hai du khách sẽ ngồi trong tàu ở độ cao khoảng 600.000km, di chuyển quanh Mặt trăng trước khi từ trường Trái đất kéo họ trở lại.

Lý do gây ra triệu chứng này là hệ thống cảm nhận trong tai giúp con người nhận thức được các di chuyển trong không gian bị rối loạn trong điều kiện không trọng lực.

Một số phi hành gia có thể vượt qua cảm giác này trong vòng vài giờ nhưng với những người bình thường, đây là thực sự là vấn đề.

Mặt khác, khuôn mặt của các du khách có thể sưng húp, cơ thể có nhu cầu tiểu tiện nhiều, gây bất tiện trong môi trường không trọng lực, khi tất cả mọi thứ đều lơ lửng, kể cả các chất lỏng.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, xương và cơ bắp cũng bị ảnh hưởng nhưng không đáng kể. Các du khách cũng có thể gặp chứng sợ không gian hẹp (claustrophobic), rối loạn giấc ngủ do thay đổi múi giờ khi trở về Trái Đất.

Rủi ro bức xạ

Một trong những khả năng hiếm khi xảy ra là nguy cơ ung thư tăng cao do tiếp xúc với bức xạ bên ngoài bầu khí quyển của Trái Đất. Tuy nhiên, tàu vũ trụ được thiết kế với khả năng chống lại bức xạ cao gấp hàng trăm lần so với Trái Đất.

"Nguy cơ nhiễm bức xạ trong một chuyến đi ngắn như thế này là rất thấp nhưng điều đó không có nghĩa là nó không xảy ra", Thomas Berger, chuyên gia nghiên cứu bức xạ tại cơ quan vũ trụ DLR (Đức), cho biết.

Các hạt proton phát ra từ Mặt Trời có thể gây ra lượng bức xạ lớn. Trong trường hợp xấu nhất, các du khách có thể tử vong.

Các vấn đề kỹ thuật

Theo các nhà quan sát, nguy hiểm lớn nhất đối với du khách chính là vấn đề kỹ thuật. Rủi ro lớn có thể bắt nguồn từ một trục trặc kỹ thuật nhỏ.

Thiết kế một khoang tàu vũ trụ từng được SpaceX tiết lộ.
Thiết kế một khoang tàu vũ trụ từng được SpaceX tiết lộ. (Ảnh: Reuters).

"Theo quan điểm của chúng tôi, (trục trặc) kỹ thuật là rủi ro lớn nhất trong suốt hành trình lên vũ trụ hoặc quay trở lại bầu khí quyển của Trái Đất", Martin Giard thuộc viện Khoa học và Thiên văn Quốc gia Pháp cho biết.

Tuy vậy, cựu Giám đốc John Logdsdon của Viện Chính sách Không gian tại Đại học George Washington, cho hay công nghệ vũ trụ ngày nay đã tốt hơn rất nhiều so với 45 về trước.

Những rủi ro không lường trước

Theo Grant, chỉ những người thực sự khỏe mạnh, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe mới có khả năng bay vào vũ trụ sau nhiều tháng đào tạo và kiểm tra sức khỏe.

"Du khách bay vào vũ trụ có thể bao gồm những người không thực sự khỏe mạnh. Nếu họ cần được điều trị y tế hoặc có tiền sử mắc căn bệnh nào đó, chúng ta không thể dự đoán được cách thức họ xoay xở (với những rủi ro bệnh tật) trong vũ trụ".

Tuy vậy, nhiều người cho rằng những trải nghiệm từ hành trình này có thể giúp họ có động lực hơn trước những nguy cơ rủi ro trong tương lai. "Tất nhiên là sẽ có rất nhiều rủi ro và thông báo về những rủi ro này là điều cần thiết", Berger nói.

Cập nhật: 04/03/2017 Theo Zing
  • 2.247