Đức sản xuất xi măng “xanh”

  •  
  • 1.797

Quá trình sản xuất xi măng là “thủ phạm” lớn nhất gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Khoảng 5% khí thải CO2 trên thế giới thoát ra từ các lò xi măng, cao gấp đôi lượng khí thải từ các động cơ phản lực của toàn bộ ngành hàng không dân dụng.


Một nhà máy sản xuất xi măng. (Ảnh mang tính minh họa. Nguồn internet)

Vấn đề nằm ở cơ chế hóa học của quá trình sản xuất xi măng, 2 lần sinh ra CO2. Đầu tiên, calcium carbonate (CaCO3) có trong đá vôi thành phẩm được nung trong lò ở nhiệt độ hơn 1.400 độ C. Quá trình này ngốn nhiều năng lượng, thường dùng than đá. Sau đó, lại thêm một đợt thải CO nữa khi biến CaCO3 thành CaO. Tổng cộng, sản xuất 1 tấn xi măng sẽ thải ra 770 kg CO2 vào không khí.

Không như một số công ty chọn cách chế tạo xi măng hút CO2 để cân bằng lượng CO2 sản sinh trước đó, Viện Công nghệ Karlsruhe (Đức) đã tìm ra cách vừa giảm nhiên liệu cần dùng trong quá trình sản xuất cũng như lượng CO2 thải ra trong quá trình kế tiếp.

Theo giới thiệu của nhà hóa học Peter Stemmermann, xi măng tên gọi Celitement trong giai đoạn đầu chỉ cần nung ở 300 độ C. Và do dùng một hỗn hợp ít canxi hơn cùng với những vật liệu silicon khác, đồng thời thêm nước vào sớm hơn, xi măng của Stemmermann đã biến đổi chuỗi phản ứng hóa học và giảm lượng khí CO2 thoát ra.

Nhược điểm lớn nhất của Celitement là giá thành khá cao, nhưng bù lại xi măng này vừa “xanh” vừa bền, chống được sự xói mòn tốt hơn xi măng thông thường. Hiện Công ty Schwenk (Đức) đang hợp tác với các chuyên gia để mở nhà máy sản xuất xi măng Celitement, với công suất thiết kế đạt 66.000 tấn/năm vào năm 2014.

Theo Thanh Niên
  • 1.797