Dùng siêu máy tính để thiết kế áo bơi Olympic

  •  
  • 108

Năm nay, những sự kiện thể thao quan trọng như Thế vận hội mùa đông tại Turin (Italy) hay World Cup 2006 ở Đức đều trở thành "sàn diễn hi-tech". Điểm đến tiếp theo của giới công nghệ sẽ là Olympic 2008 tại Bắc Kinh.

Siêu máy tính phân tích dòng chảy quanh cơ thể vận động viên. Ảnh: Speedo

Nhằm chuẩn bị cho Thế vận hội 2 năm tới, công ty sản xuất đồ dùng thể thao hàng đầu thế giới Speedo của Mỹ đã ấp ủ kế hoạch sử dụng siêu máy tính để sản xuất phiên bản kế tiếp của bộ đồ bơi Fastskin danh tiếng.

Speedo cho biết hiện nay, đa số vận động viên bơi lội đều mặc đồ bó sát thân. Một số thích phủ kín cổ tay và mắt cá chân, số khác không muốn có tay áo và nhiều người lại chỉ thích bộ đồ dài đến đầu gối. Hãng này đã đáp ứng tất cả nhu cầu trên, nhưng muốn tìm hiểu chi tiết hơn xem kết cấu đồ bơi sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tốc độ của vận động viên.

Các dữ liệu nghiên cứu do Speedo thu thập được chương trình điện toán lưu động học Fluent Computational Fluid Dynamics (Fluent CFD) phân tích trực tiếp trên siêu máy tính hiệu suất cao của Công ty Silicone mang tên SGI Altix tại phòng thí nghiệp Speedo Aqualab.

CFD hiển thị đường đi của các dòng chảy tỏa ra từ cơ thể vận động viên và quanh chất liệu Fastskin, được thiết kế giống như da cá mập với những lằn gợn nhỏ trên bề mặt. Speedo quan sát thấy luồng nước xuất hiện trong quá trình bơi của nữ nhiều hơn của nam, do đó thiết kế quần áo cho hai giới sẽ hoàn toàn khác nhau.

Barry Bixler, một thành viên quan trọng trong Aqualab, cho biết nhờ Fluent CFD, ông có thể phân tích sâu hơn và xử lý được một số vấn về lực cản khi bơi. "Chúng tôi quan tâm đến tốc độ và hướng dòng chảy, vị trí chúng xuất phát từ cơ thể, thời điểm các luồng giao nhau và mức độ mạnh - yếu của lực ma sát", Bixler cho biết.

Bixler cũng tin rằng vận động viên có thể bơi nhanh hơn nếu mặc bộ đồ dài do nó giúp điều hòa dòng chảy quanh người và giảm lực kéo.
Theo Textile, VnExpress
  • 108