Đường hầm xuyên dãy Alpes

  •  
  • 758

Vào buổi sáng 22-3-2007, ở đầu cuối phía Bắc của đường hầm Loetschberg gần Mitholz, các kỹ sư Thụy Sĩ đã hoàn thành những mét đường ray cuối cùng xuyên qua dãy Alpes. Đường ray xe lửa này có thể làm thay đổi bộ mặt giao thông của Châu Âu.

Từ nhiều thế kỷ qua, dãy Alpes như một rào chắn thương mại giữa hai vùng Nam và Bắc châu Âu. Hầu hết hàng hóa vận chuyển qua dãy núi Alpes bằng các loại xe tải nặng và lượng hàng hóa đặc biệt tăng vào hai thập niên gần đây.

Năm 1990 là 40 triệu tấn thì năm 2001 đã là 90 triệu tấn, và ước tính đến 2010 con số này sẽ còn lớn hơn nữa. Hoạt động vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa đã là nguyên nhân gây nạn kẹt xe, ô nhiễm không khí và tai nạn giao thông, đã có những vụ hỏa hoạn xảy ra trong 10 năm qua làm nhiều người thiệt mạng.

Con đường mới sẽ rút ngắn thời gian hành trình Zurich - Milan một cách ngoạn mục

Thụy Sĩ đóng vai trò là đầu mối chính trong lưu thông hàng hóa ở châu Âu với hơn 4.000 xe tải hạng nặng đi qua vùng núi Alpes bằng đường bộ mỗi ngày. Năm 1994, Thụy Sĩ đã mở một cuộc trưng cầu ý dân về việc sẽ vận chuyển hàng hóa bằng xe lửa. Tất nhiên, kế hoạch đầy tham vọng này không thể thành hiện thực sau một đêm, bao gồm hai đường hầm song song nhau và sẽ hoàn tất trong năm 2015. Đây là một trong những dự án xây dựng lớn nhất trên thế giới.

Đường hầm Loetschberg dài 34km và đường hầm Gotthard dài 60km - cũng là đường hầm dài nhất trên thế giới - sẽ tạo thành một tuyến đường đi qua núi Alpes - rào chắn thiên nhiên hùng vĩ của châu Âu. Loetschberg được lên kế hoạch đưa vào sử dụng năm 2007, còn Gotthard phải mất khoảng 10 năm nữa mới hoàn thành.

Sâu hơn 2km trong lòng dãy Alpes, đường hầm sẽ ở độ cao 500m so với mặt nước biển, cho phép xe lửa chạy với vận tốc 240km/g và rút ngắn thời gian di chuyển từ Zurich đến Milan từ 4 giờ xuống còn 2,5 giờ. Qui mô của dự án cực kỳ lớn với 2.000 người làm việc trực tiếp trong đường hầm 24 giờ/ngày và 365 ngày/năm.

Bên cạnh hai đường hầm chính, các công nhân xây dựng còn đào những đường hầm phụ cho các trường hợp khẩn cấp và phục vụ vận chuyển hàng hóa, thiết bị các loại. Những chiếc quạt khổng lồ được lắp đặt để bảo đảm việc cung cấp không khí và làm mát vì nhiệt độ tự nhiên là hơn 30OC. “Bên trên chúng tôi 2,5km là dãy Alpes, chúng tôi phải chịu sức ép của hàng triệu tấn đất đá, chính điều này đã làm tăng áp suất và nhiệt độ” - kỹ sư Arthur Schmid cho biết. Cũng có nghĩa mỗi lúc đào thêm được vài mét đường hầm thì “bà mẹ thiên nhiên” cố đóng nó lại. Dọc theo chiều dài của đường hầm, những vòng thép được đưa vào để gia cố nếu không tất cả sẽ đổ ập xuống.

Xây dựng các đường hầm là một công việc cực kỳ khó khăn, đòi hỏi rất nhiều thiết bị hiện đại. Ban đầu người ta phải tiến hành nổ mìn, sau đó những máy khoan thuộc loại tiên tiến và lớn nhất sẽ hoạt động, đá bị cắt rời thành những khối và được bốc dỡ đi. Trong điều kiện tốt có thể đào 40m mỗi ngày nhưng điều kiện ở đây không thuận lợi, công nhân luôn đối mặt với những vấn đề địa chất, công việc thi công gặp nhiều khó khăn hơn, thậm chí có ngày chỉ đào được nửa mét và như vậy giá thành sẽ tăng cao. Ước tính chi phí để xây dựng hai công trình này ban đầu là 8 tỉ đôla, đến nay chi phí này đã lên đến 15 tỉ đôla.


Hai tuyến đường hầm song sinh là một phần trong chính sách vận chuyển
hàng hóa bằng xe lửa: Loetschberg dự tính sử dụng vào năm 2007,
Gotthard hoạt động vào năm 2015. Dự án tốn kém hơn 15 tỉ đôla

Tuy việc xây dựng các đường ray này đem lại lợi ích đáng kể về mặt xã hội nhưng người dân Thụy Sĩ không khỏi có những tiếc nuối. Kiến trúc sư Arthur Loretz nói: “Đường hầm này đã làm dãy Alpes biến mất! Vì nếu bạn lái xe từ Zurich đến Milan bạn sẽ được ngắm những phong cảnh đẹp tuyệt vời, nhưng đi bằng đường hầm thì Alpes chỉ còn là một cái lỗ đen ngòm”. Tuy nhiên ông cũng không phủ nhận rằng: “Hãy thử nghĩ xem, đầu này của đường hầm người ta nói tiếng Ý nhưng ở đầu kia người ta nói bằng tiếng Đức. Thiên nhiên đã chia cắt chúng ta nhưng những con đường này mang chúng ta đến gần nhau”. 

LƯƠNG TÂM

Theo Tuổi trẻ
  • 758