Foldscope - kính hiển vi bằng giấy giúp chẩn đoán sốt rét

  •  
  • 1.498

Theo tổ chức y tế thế giới WHO, riêng năm 2012 có gần 207 triệu trường hợp bị sốt rét trên toàn cầu, trong đó 627.000 ca được xác nhận tử vong. Điều không may là căn bệnh này xuất hiện chủ yếu tại các quốc gia đang phát triển, nơi có thể thiếu thốn trang thiết bị chẩn đoán. Các bác sĩ sẽ không thể xác định loại sốt rét nào bệnh nhân đang mắc phải, do đó dẫn đến phương pháp điều trị không hiệu quả.

>>> Video: Kính hiển vi bằng giấy Foldscope

Manu Prakash - phó giáo sư kỹ thuật sinh học tại trường y thuộc đại học Stanford hy vọng có thể thay đổi điều này bằng việc sử dụng một loại kính hiển vi được làm bằng giấy, có thể gập gọn và dùng ngay.

Thiết bị được làm chủ yếu từ giấy cardstock

Có tên gọi Foldscope, thiết bị có thể được lắp ghép ngay tại chỗ chỉ trong vài phút từ một bộ các thành phần được cắt sẵn bằng giấy. Thiết bị được làm chủ yếu từ giấy cardstock ngoại trừ phần gương cầu có kích thước bằng hạt đậu. Các thấu kính trên thực tế là một dạng kính mài thường được dùng để làm thoi các cạnh của một miếng kim loại.

Với những vật liệu đơn giản và sẵn có, Foldscope có giá khoảng 50 cent. Việc sử dụng thiết bị cũng đơn giản không kém. Theo Stanford: "Một mẫu thử (máu) sẽ được đặt trên một đĩa kính và lắp vào giữa các lớp giấy của kính hiển vi. Người dùng dùng ngón cái và ngón trỏ kẹp chặt 2 đầu thiết bị và đưa lên mắt đủ gần, đến khi kính chạm vào lông mày. Các thao tác chỉnh nét và điều chỉnh vị trí của mẫu thử có thể được thực hiện bằng cách uốn cong và trượt bệ giấy bên dưới bằng các ngón tay. Do đặc tính quang học độc đáo của gương cầu lồi khi được đặt gần mắt, các mẫu thử có thể được phóng đại đến 2000 lần".

Foldscope cũng khá bền và có thể dễ dàng được thải bỏ cùng với các mẫu thử sau 1 lần sử dụng.

Ngoài ra, thuốc nhuộm có thể được thêm vào mẫu thử giúp phát hiện các tổ chức vi khuẩn riêng biệt. Một chiếc đèn LED dùng pin đồng hồ có thể được bổ sung vào thiết bị để chiếu các hình ảnh lên tường.

Không chỉ rẻ và dễ dùng, Foldscope cũng khá bền và có thể dễ dàng được thải bỏ cùng với các mẫu thử sau 1 lần sử dụng. Bên cạnh khả năng trợ giúp các bác sĩ chẩn đoán các chứng bệnh đường máu như sốt rét, Prakash hy vọng thiết bị sẽ được khai thác theo các chương trình giáo dục, gợi cảm hứng cho trẻ em trở thành các nhà khoa học.

Cập nhật: 02/02/2017 Theo Tinh Tế
  • 1.498