Gà mái biến thành gà trống

  •   53
  • 4.241

Một con gà mang tên Honor, ở một ngôi làng của nước Anh, đã khiến người chủ phải kinh ngạc khi đột nhiên chuyển đổi từ một con gà mái sang thành gà trống.

Gà mái chuyển giới thành gà trống

Bà chủ Gill Whiteley ban đầu nghĩ rằng tiếng gáy mà bà nghe thấy xuất phát từ một trang trại khác bởi bà chỉ nuôi toàn gà mái. Nhưng khi người hàng xóm khẳng định, có một con gà trống đang gáy trong khu vườn của bà, thì bà quyết định kiểm tra lại.

Bà giáo 53 tuổi sống tại ngôi làng Treales, gần Preston, Anh, nói: "Tôi mới mua vài con gà mái nên nghĩ rằng có thể người bán đã đưa nhầm một con gà trống. Tôi chụp ảnh lại những con gà mới, tìm hiểu đặc điểm của chúng và thấy không thể có một con nào là trống cả".

Con gà trước và sau khi chuyển đổi giới tính. (Ảnh: Daily Mail)

"Cuối cùng tôi nhận ra chính là một con gà mái có tên Honor mà tôi mua một năm trước đã gáy. Tôi luôn gặp nó hằng ngày nên không nhận ra sự thay đổi nào, nhưng khi nhìn kỹ lại, tôi có thể thấy một chiếc mào đang mọc to hơn và yếm thịt ở dưới cổ nó cũng dài hơn".

"Tôi không thể tin nổi khi nhìn thấy nó gáy. Tôi hoàn toàn sững sờ", bà Gill kể lại. 

"Con gà không thể đẻ trứng được nữa nhưng tôi cũng không nỡ lòng nào làm thịt nó nên vẫn để nó sống chung với đàn gà", Gill thổ lộ. 

Vì sao gà mái biến thành gà trống?

Thời Trung Quốc cổ đại có truyện “Đỗ kê tư thần” kể rằng, một buổi sáng có con gà mái đột nhiên gáy ò ó o khiến mọi người đều kinh sợ...

Ngày nay khoa học có thể giải thích chuyện này, và thực tế gà mái quả là có thể biến thành gà trống thật! Thực tế, không chỉ ở gà, mà ở nhiều loại động vật khác, thậm chí ngay cả ở người cũng có thể xảy ra hiện tượng này. Các nhà khoa học gọi hiện tượng chuyển hoá đực cái là “chuyển ngược tính biệt”.

Gà mái biến thành gà trống xảy ra sau khi buồng trứng của gà bị bệnh, không thể sản ra kích tố giới tính cái để ức chế túi tinh phát dục. Kết quả là túi tinh vốn bị thoái hoá lại có điều kiện phát triển và tiết ra kích tố đực, khiến cho gà mái mọc lông như gà trống, rồi cất tiếng gáy và thế là gà mái biến thành gà trống. Đây là hiện tượng phát dục tính biệt.

Nói chung sự phát dục tính biệt, cũng giống như mọi tính trạng khác, đều là kết quả tác động lẫn nhau giữa di truyền và ngoại cảnh. Ở những sinh vật có phân hoá đực cái đều có nhiễm sắc thể giới tính xác định chúng là cái hay đực.

Nhưng khi còn nhỏ, sinh vật có thể phát dục theo cả hai hướng đực hoặc cái. Nếu môi trường trong và ngoài đặc biệt có lợi cho sự phát dục theo giới tính ngược lại, nó sẽ sản sinh ra kết quả “quái dị”. Đó là hiện tượng chuyển ngược tính biệt.

Chuyển ngược tính biệt có thể di truyền được không? Đã có người lấy ếch châu Phi để thí nghiệm. Dưới ảnh hưởng của kích tố cái, toàn bộ ếch con đực phát triển thành ếch cái và chúng đều có thể đẻ trứng hoặc thụ tinh. Nhưng, nhiễm sắc thể giới tính của chúng vẫn là đực như cũ. Nếu cho những con ếch cái này giao phối thụ tinh, chúng sẽ đẻ ra toàn ếch đực. Bởi vì những con ếch cái chuyển ngược tính biệt này chỉ có thể sản sinh tế bào trứng mang nhiễm sắc thể Z, trong khi những con ếch đực bình thường cũng chỉ có thể sản sinh tinh trùng mang nhiễm sắc thể Z.

Vì vậy sau khi giao phối, chúng chỉ sản sinh ra trứng thụ tinh ZZ, phát triển thành ếch đực. Cho nên, sự phát dục giới tính chịu ảnh hưởng của kích tố làm biến đổi ngược. Đây chỉ là sự thay đổi kiểu hình, còn cơ sở di truyền của nó nằm trong nhiễm sắc thể giới tính vẫn giữ nguyên không đổi.

Gà mái biến thành gà trống cũng vậy, chỉ biến đổi kiểu hình, trong khi nhiễm sắc thể giới tính vẫn không thay đổi gì.

Tổng hợp
  • 53
  • 4.241