Gai xương cột sống thắt lưng, một biểu hiện của thoái hóa cột sống

  •   43
  • 17.198

Hiện nay, rất nhiều người đang bị căn bệnh thoái hóa cột sống hành hạ từ trẻ đến già, nhân viên văn phòng đến công nhân khuân vác nặng... Để giúp cho việc điều trị được nhanh chóng và đạt hiệu quả cao, bệnh nhân phải hiểu rõ thoái hóa cột sống là gì?

Tại sao có hiện tượng thoái hóa cột sống?

Vị trí và tên gọi các triệu chứng của thoái hóa cột sống
Vị trí và tên gọi các triệu chứng của thoái hóa cột sống

Thoái hóa cột sống thắt lưng chỉ là một biểu hiện của bệnh thoái hóa khớp. Thoái hóa khớp là một bệnh mãn tính, đặc trưng bởi tổn thương thoái hóa tiến triển của sụn khớp và đĩa đệm gây đau, biến dạng khớp, nhưng hiếm khi có biểu hiện viêm kèm theo. Bệnh này còn được đặt các tên khác như viêm xương khớp, thấp khớp thoái hóa hay hư xương khớp. Bệnh gặp ở những người cao tuổi và tỷ lệ mắc bệnh tăng dần theo tuổi tác.

Bình thường, sụn khớp được cấu tạo chủ yếu bởi nước, collagen và proteoglycan. Khi sụn của đĩa đệm bị thoái hóa, tế bào sụn bị mất hoặc giảm chức năng khiến cho quá trình tái tạo sụn bị rối loạn, làm lực phân bố trên thân đốt sống không đều, khiến cho xương mâm đốt sống phải tăng chịu tải, kết quả là hình thành các gai xương ở rìa ngoài thân đốt sống. Gai xương có hình thô và đậm đặc.

Thoái hóa cột sống

Điều đặc biệt là phì đại xương, dẫn đến tạo thành các gai xương có thể xuất hiện ngay từ giai đoạn sớm của bệnh, thường kèm theo các thay đổi cấu trúc khớp khác như mòn sụn, giảm chiều cao đĩa đệm liên đốt sống và dày xương dưới sụn. Các thay đổi cấu trúc này có thể nhìn thấy rất rõ trên phim chụp Xquang cột sống thắt lưng thẳng và nghiêng. Theo nghiên cứu của Framingham ở Mỹ, tỷ lệ thoái hóa khớp có triệu chứng lâm sàng là 6% ở người trên 30 tuổi. Những biểu hiện trên Xquang còn cao hơn nhiều (20-30%) ở những người trong độ tuổi từ 55-65.

Nguyên nhân gây bệnh thoái cột sống là gì?

  • Điều kiện sống khó khăn, ăn uống không đầy đủ.
  • Làm việc, lao động nặng quá sớm và quá sức. Ví dụ như mang vác, gồng gánh nặng từ lúc 12, 13 tuổi, khi mà khung xương còn đang trong giai đoạn phát triển, chưa định hình, hoàn thiện.
  • Tập luyện thể dục, thể thao không hợp lý.
  • Thường xuyên mang, vác, đẩy, kéo các vật nặng không đúng tư thế.
  • Ở những người trẻ tuổi khi ngồi làm việc ở một chỗ, ít vận động như công nhân, nhân viên văn phòng, các khớp xương ít được vận động, bị chèn ép, khí huyết lưu thông kém, các tế bào xương thiếu dần dinh dưỡng dẫn tới thoái hóa
  • Trọng lượng quá mức cho phép khiến cột sống luôn phải gắng đỡ cơ thể.
  • Thông thường, bệnh xuất hiện ở người có tuổi từ 35, 40 trở lên. Tỷ lệ bị thoái hoá cột sống ở nam và nữ là gần như nhau mặc dù nguyên nhân là tương đối khác nhau ở hai giới. Nếu như ở nam giới phần lớn là do lao động nặng, chơi thể thao quá độ, thì nữ giới là do thiếu hụt canxi, hậu quả của việc mang thai và sinh nở mà không được bù đắp kịp thời và đầy đủ.
  • Do máu không cung cấp đủ dưỡng chất và oxi để nuôi xương làm xương bị thoái hóa xốp lên, vôi thường bị ở đốt sống cổ, đốt sống lưng và các khớp xương.
  • Người cao tuổi do trao đổi chất giảm, thoái hóa các tế bào tăng, càng cao tuổi thoái hóa xương càng tăng.

Đặc điểm lâm sàng của thoái hóa cột sống thắt lưng

Có ba thể lâm sàng chính là đau lưng cấp, đau lưng mạn tính và đau thần kinh tọa.

Đau lưng cấp

Thường gặp ở lứa tuổi 30-40. Đau xuất hiện sau một động tác mạnh, quá mức, đột ngột, trái tư thế. Đau tăng khi hắt hơi, rặn, thay đổi tư thế, đặc biệt là khi có phồng đĩa đệm gây chèn ép dây thần kinh tọa hoặc gây ép rễ thần kinh.

Đau lưng mạn

Hay gặp ở người trên 40 tuổi. Đau âm ỉ, đau dọc xuống chân và đùi, đau tăng khi vận động, thay đổi thời tiết. Đặc biệt là đau gây hạn chế vận động (khó quay, cúi...). Chụp Xquang cột sống thường thấy dấu hiệu mọc gai xương đốt sống, xơ xương dưới sụn, có các ổ khuyết xương dưới sụn.

Đau lưng do vôi hóa cột sống

Đau thần kinh tọa

Thường bệnh nhân đã có tiền sử đau thắt lưng mạn tính. Khi bệnh nhân vận động đột ngột hay bê, mang vác vật nặng thì xuất hiện dấu hiệu ép thần kinh. Để chẩn đoán, bệnh nhân cần phải chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ cột sống thắt lưng.

Điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng

Không có thuốc chữa quá trình thoái hóa khớp. Cần tiến hành điều trị khi có triệu chứng. Đầu tiên, trong các đợt cấp của bệnh cần phải sử dụng các thuốc giảm đau chống viêm không steroid, phối hợp với các thuốc giảm đau đơn thuần, thuốc giãn cơ. Thuốc giảm đau chống viêm không steroid là nhóm thuốc được sử dụng nhiều nhất. Trước đây người ta thường sử dụng các thuốc chống viêm không steroid kinh điển như aspirin, diclofenac. Tuy nhiên các thuốc này có tác dụng kích ứng niêm mạc dạ dày, gây viêm loét, thủng dạ dày, xuất huyết tiêu hóa. Hiện nay thực tế nghiên cứu và áp dụng lâm sàng đã chứng minh rằng các thuốc chống viêm không steroid ức chế chọn lọc trên men COX-2 là thuốc có tính an toàn nhất trong điều trị.

Người ta còn dùng các thuốc làm chậm quá trình thoái hóa, thậm chí có thể cải thiện được cấu trúc khớp bị thoái hóa. Cũng có thể tăng cường dinh dưỡng sụn bằng cao động vật, thuốc nội tiết...

Bài tập vật lý trị liệu hàng ngày cho người bệnh thoái hóa cột sống
Bài tập vật lý trị liệu hàng ngày cho người bệnh thoái hóa cột sống

Phòng bệnh

  • Để phòng bệnh có hiệu quả, trước tiên cần phát hiện sớm các dị tật của xương, khớp, cột sống để điều trị kịp thời.
  • Những người béo phì cần có chế độ ăn hợp lý để giảm cân.
  • Cần tập thể dục thể thao ở mức độ sức khỏe cho phép.
  • Trong lao động và sinh hoạt cần tránh những tư thế xấu, cũng như các động tác quá mạnh, đột ngột.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ những người lao động nặng.
Cập nhật: 26/05/2016 Tổng hợp
  • 43
  • 17.198