Gấu bắc cực lại "chung đụng" với gấu nâu

  •  
  • 2.141

Gấu bắc cực và gấu nâu đã tách ra thành hai nhánh riêng vào khoảng 4 đến 5 triệu năm trước, nhưng chúng vẫn lai tạp khi thời tiết ấm lên. Và nay, các chuyên gia đã tìm được chứng cứ cho thấy quá trình này lại diễn ra.

Quá khứ của gấu bắc cực có thể lặp lại trong tương lai, sau khi báo cáo cho thấy loài gấu trắng vùng cực từng lai tạp với gấu nâu sau khi chúng tách thành hai loài riêng cách đây khoảng 5 triệu năm.

Gấu Bắc Cực
Gấu Bắc Cực

Sự thay đổi khí hậu nhiều khả năng đã kích hoạt quá trình “giao lưu” ngẫu hứng giữa hai loài gấu khác nhau, theo các chuyên gia Mỹ và Singapore.

Báo cáo của Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) kết hợp với Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) ước tính được gấu trắng đã tách khỏi gấu nâu từ lâu, khoảng 4 đến 5 triệu năm trước.

Giáo sư Stephan Schuster và đồng sự đã giải mã được bộ gene của ba gấu nâu, một gấu đen và so sánh chúng với bộ gene của các con gấu bắc cực, trong đó có một loài hiện đại và mẫu còn lại lấy từ di hài của gấu bắc cực 120.000 năm tuổi.

Kết quả cho thấy, gần đây dòng gấu lai hoang dã và thậm chí hậu duệ thế hệ thứ hai đã được ghi nhận tại vùng biển bắc Beaufort của Bắc Cực, khi nơi sinh sống của gấu nâu và gấu trắng chồng lên nhau, theo lời các chuyên gia viết trong báo cáo.

Gấu bắc cực hiện đối mặt với nguy cơ mất đi nơi cư ngụ do thay đổi khí hậu, lần này do con người gây ra.

Nếu xu hướng trên vẫn tiếp diễn, loài gấu trắng có thể sẽ bị buộc phải sinh sống trên đất liền thay vì trên băng, và việc gặp gỡ với họ hàng gấu nâu nhiều khả năng sẽ xảy ra, theo báo cáo đăng trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences.

Theo Thanh Niên
  • 2.141