Gen là nguyên nhân gây ra thói quen hút thuốc

  •  
  • 1.481

Bất cứ ai từng thử hút thuốc đều có thể nhớ rõ cảm nhận khi hút điếu thuốc đầu tiên. Đối với một số người, nó đem lại cảm giác buồn nôn hay một cơn ho khó chịu. Đối với một số khác, hơi thuốc đầu tiên đã cho họ một cảm giác thích thú hay “khoan khoái”.

Một nghiên cứu mới đã tìm ra mối liên hệ giữa cảm giác khi hút thuốc lần đầu tiên của một người với khả năng trở thành người nghiện thuốc lá hiện nay và một biến đổi gen riêng biệt. Phát hiện này giúp giải thích con đường từ điếu thuốc đầu tiên tới thói quen hút thuốc cả đời.

Phát hiện mới cũng tăng thêm hoài nghi xung quanh vai trò của gen nhân cảm nicotin đối với hành vi hút thuốc và ung thư phổi. Các nhà nghiên cứu khác đã từng phát hiện mắt xích giữa biến đổi của một đoạn gen đối với sự phụ thuộc của người hút thuốc đối với nicotin, số lượng điếu thuốc hút một ngày và nguy cơ ung thư phổi cao – hậu quả cuối cùng của thói quen hút thuốc.

Trong bài báo được công bố trực tuyến trên tạp chí Addiction, một nhóm các nhà khoa học từ nhiều trường đại học với chuyên môn trong các lĩnh vực di truyền học thống kê, phân tích đặc điểm di truyền đã công bố mối liên hệ giữa biến đổi ở gen nhận cảm nicotin CHRNA5 và cảm giác hút thuốc lần đầu tiên cùng với thói quen hút thuốc hiện tại.

Dữ liệu về gen và quá trình hút thuốc được thu thập từ 435 người tình nguyện. Những người không hút thuốc đã từng thử ít nhất một điếu thuốc nhưng không quá 100 điếu thuốc, và chưa bao giờ hình thành thói quen hút thuốc. Những người hút thuốc thường xuyên hút ít nhất 5 điếu một ngày trong ít nhất 5 năm trở lại đây.

So với những người không hút thuốc, những người hút thuốc thường xuyên có xu hướng hình thành dạng rs16969968 của gen CHRNA5, trong đó chỉ có một cặp trong chuỗi gen khác với dạng thông thường hơn. Loại biến đổi gen này được gọi là đa hình nucleotit hay SNP.

Những người thường xuyên hút thuốc có xu hướng có cảm giác khoan khoái ngay ở điếu thuốc đầu tiên gấp 8 lần người không hút thuốc.

Tảc giả đồng thời là trưởng dự án Ovide Pomerlueau, giáo sư tâm thần học tại đại học Y Michigan và người sáng lập Phòng thí nghiệm nghiên cứu nicotin U-M, cho biết: “Có vẻ như đối với những người có biến đổi gen nhất đinh, phàn ứng đầu tiên đối với việc hút thuốc có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xác định điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”.

Ông thêm rằng: “Nếu hành động hút thuốc được duy trì, cảm giác thèm nicotin sẽ xuất hiện trong vài ngày đến vài tháng. Phát hiện về liên kết gen với cảm giác khoan khoái thuốc lá đem lại có thể giúp giải thích chứng nghiện thuốc – và tất nhiên, một khi đã nghiện thuốc lá, rất nhiều người sẽ tiếp tục hút thuốc trong phần còn lại của cuộc đời”.

Nghiên cứu mới liên hệ cảm giác hút thuốc lần đầu tiên và tình trạng hút thuốc hiện tại của một người với sự biến đổi trong gen mã hóa cơ quan nhận cảm nitcotin trong não. (Ảnh: Đại học Michigan)

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng biến đổi gen chỉ giải thích một phần thói quen hút thuốc của con người, và một giải thích hoàn chỉnh hơn về việc tại sao một số người hút thuốc và tại sao họ không thể từ bỏ thuốc lá sẽ cần lượng thống tin nhiều hơn về quá trình tương tác của gen đối với các yếu tố xã hội và môi trường.

Pomerleau nhận định rằng khả năng liên kết giữa thói quen hút thuốc với kiểu di truyền ở người sẽ cần thông tin mở rộng về hành vi, gen, và điều kiện môi trường – cũng như các công cụ tin sinh học để kết nối những thông tin đó lại với nhau. Ông cho biết: “Hiểu rõ về mặt di truyền những rối loạn phức tạp như nghiện nicotin sẽ cần một quá trình nghiên cứu chuyên sâu và lâu dài”. Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh rằng mối quan hệ với CHRNA5 tỏ ra mạnh mẽ và ứng dụng thực tế từ nghiên cứu này bao gồm các thí nghiệm di truyền mới về nguy cơ hút thuốc và sự phát triển của dược phẩm nhằm vào những gen tạo nên nguy cơ đó.

Pomerleau nói rõ rằng bài báo mới được xây dựng dựa trên những phát hiện của đồng tác giả Laura Bierut năm ngoái, trong đó nghiên cứu cả hệ gen cho thấy cùng một đa hình nucleotit, rs16969968, của gen CHRNA5 có liên hệ với mức độ người hút thuốc phụ thuộc vào nicotin. Ông cũng cho biết, năm nay, ba bài báo được công bố độc lập đã chứng minh rằng các biến đổi trên cũng một gen, và các gen liên quan, làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư phổi. Xét tới mối liên hệ với cảm giác thích thú trong lần đầu hút thuốc lá, khả năng nghiên nicotin cao hơn, cũng như nguy cơ mắc ung thư phổi lớn hơn, biến đổi gen này hình thành nên bộ ba tác động gây ra bệnh liên quan đến thói quen hút thuốc.

Cơ chế giải thích sự gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh, do một nhà nghiên cứu ung thư di truyền đề xuất, là khả năng một số chất hóa học nhất định, ví dụ như N-nitrosonornicotine trong khói thuốc lá, tác động lên cơ quan nhận cảm nicotin trong phổi để tạo ra những thay đổi gây ra ung thư – một quá trình được gọi là tumorigenesis.

Những phát hiện mới liên kết cảm giác hút thuốc lần đầu tiên, thói quen hút thuốc, và biến đổi gen dựa trên nghiên cứu trước đây của Ovide Pomerleau và Cynthia Pomerleau, tại U-M. Trong nghiên cứu được tực hiện trong vòng hơn 10 năm, họ đã ghi chép tài liệu về mối liên hệ giữa việc phụ thuộc vào nitcoin và cảm giác hút thuốc lần đầu tiên.

Ovide Pomerleau đồng thời cho rằng nhiên cứu trên động vật của đồng nghiệp Allan Collins và Jerry Stitzel tại đại học Colorado là đáng tin cậy. Nghiên cứu đó đã củng cố quan điểm cho rằng phản ứng đầu tiên đối với nicotin có thể tạo đà phát triển cho sự phụ thuộc vào nicotin – và sự biến đổi gen nhận cảm nicotin là cơ sở cho quá trình này.

Ovide Pomerleau và Laura Bierut là thành viên ban cố vấn dược phẩm trị liệu nicotin cho Pfizer, Inc.Laura Bierut và John Rice tại đại học Washington nắm giữ bản quyền về CHRNA5 SNP được Perlegen Sciences cấp.

Tham khảo:
Sherva et al. Association of a single nucleotide polymorphism in neuronal acetylcholine receptor subunit alpha 5 (CHRNA5) with smoking status and with ‘pleasurable buzz’ during early experimentation with smoking. Addiction, 2008; 103 (9): 1544 DOI: 10.1111/j.1360-0443.2008.02279.x

Trà Mi (Theo ScienceDaily)
  • 1.481