Giá thực phẩm làm thay đổi chế độ ăn

  •  
  • 312

Người dân thế giới từ nước giàu đến nghèo đang dần thay đổi thói quen ăn uống do thực phẩm tăng giá đồng loạt trong vài năm trở lại đây, một khảo sát cho hay.

Tổ chức cứu trợ thế giới Oxfam tổng kết rằng trong số các nước tham gia trả lời nghiên cứu, rất nhiều người đã thay đổi thói quen ăn uống trong 2 năm trở lại đây: 39% vì lý do tăng giá thực phẩm, 33% vì lý do sức khỏe.

Giá thực phẩm tăng cũng dẫn đến thay đổi trong thói quen tiêu tiền và sinh hoạt của những người dân ở các nước đang phát triển, CNN dẫn kết luận nghiên cứu cho hay.

Adolreza Abbassian, một nhà kinh tế học thuộc Tổ chức Lương Thực và Nông Nghiệp Liên Hợp Quốc cho biết: "Người dân ở các nước nghèo vốn đã chỉ được ăn một lần mỗi ngày. Thế nên khi giá thực phẩm tăng cao, họ phải đổ hết toàn bộ thu nhập vào tiền ăn. Tăng thu nhập của gia đình là việc không thể, nên cách duy nhất là ăn ít đi hoặc ăn thực phẩm có chất lượng thấp hơn".

Người dân ở Tunisia biểu tình phản đối tăng giá thực phẩm và nạn thất nghiệp hồi tháng 12 năm ngoái
Người dân ở Tunisia biểu tình phản đối tăng giá thực phẩm và nạn thất nghiệp hồi tháng 12 năm ngoái. Ảnh: CNN

Ở Kenya, 76% số người trả lời báo cáo đã thay đổi chế độ ăn uống trong vài năm trở lại đây. Trong số đó, có đến 79% thay đổi là vì giá thực phẩm ngày một tăng. Mexico cũng gặp tình trạng tương tự: 65% thay đổi chế độ ăn với hơn 50% là vì giá. Mặc dù việc tăng giá thực phẩm hiện đang có ảnh hưởng lởn nhất đến các nước đang phát triển, các nước phương Tây cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Ở Mỹ, 55% thay đổi chế độ ăn với 31% là vì giá thực phẩm.

Sau gần 30 năm ổn định giá, các loại thực phẩm như lúa mạch, thịt và đường đột ngột tăng giá từ giữa năm 2008. Các chuyên gia nhận định rằng đây là kết quả của việc thay đổi thời tiết bất thường, tăng giá xăng dầu và chiến lược kinh tế thiếu tầm nhìn xa.

Tháng 2 năm nay, chỉ số giá lương thực thực phẩm của Liên Hợp Quốc (bao gồm giá của 5 loại thực phẩm căn bản: thịt, lúa mạch,...) đã đạt ngưỡng mới 238, cao hơn gần 20% so với chỉ số này trong cuộc khủng hoảng lương thực vào năm 2008.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, lại thêm 44 triệu người dân trên toàn thế giới đã lâm vào cảnh thiếu lương thực kể từ tháng 6 năm 2010. Trước đó, đã có đến 1,2 tỷ người dân toàn cầu phải sống dưới mức trung bình là 1,25 đô la Mỹ mỗi ngày.

"Mặc dù đối với người dân ở các nước nghèo thì giá thực phẩm hiện nay có thể xem là rất cao, thì với người dân ở các nước phát triển, họ vẫn tiếp tục mua thực phẩm bất chấp việc tăng giá. Điều nguy hiểm từ hành động này là việc họ tiếp tục mua sẽ khiến cho giá cả tiếp tục tăng không có cách nào giảm. Hậu quả là những người dân ở các nước nghèo sẽ lại càng không thể kham nổi giá thực phẩm mới", Abbassian nhận xét.

Hiện tại, giá thực phẩm trên toàn thế giới đang đẩy nhiều người vào cảnh khốn khó, lối thoát duy nhất là hệ thống chu cấp và trợ giúp giá lương thực cho những người đang sống dưới mức nghèo khó của các nước và các tổ chức phi chính phủ.

Các Bộ trưởng Nông nghiệp của khối G-20 sẽ có cuộc gặp tại Paris trong tuần tới để thảo luận việc tăng giá cả đột biến không có điểm dừng trong thời gian gần đây nhằm tìm ra giải pháp chung.

Theo Vnexpress
  • 312