Giả thuyết về chu kỳ tuyệt chủng trên Trái Đất

  •   4,85
  • 5.137

Ngày 11/3, các nhà cổ sinh vật học Mỹ đã đưa ra giả thuyết mới về chu kỳ tuyệt chủng hàng loạt của sự sống trên Trái Đất và nhấn mạnh rằng 250 triệu năm trước đây, sự sống trên Trái Đất đã từng bị tuyệt chủng hàng loạt theo chu kỳ 26 triệu năm.

Với phát hiện mới nhất về hành tinh lùn Sedna - một trong các vật thể vũ trụ xa nhất có thể quan sát được với thời gian quay quanh Mặt Trời từ 10,5 đến 12.000 năm - có quỹ đạo quay quanh Mặt Trời theo hình elíp dài gấp 76-975 khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời, các nhà thiên văn cho rằng chu kỳ tuyệt chủng này có thể là do sự va quệt giữa Trái Đất với Sao Chổi.

Một vật thể tối có thể đang ẩn bên rìa Hệ Mặt Trời và thỉnh thoảng vẫn bắn liên tiếp các Sao Chổi về Trái Đất.

Ảnh minh họa.

Vật thể tối đe dọa sự sống trên Trái Đất được các nhà khoa học gọi là Nemesis hoặc Ngôi sao Thần Chết cũng có thể là ngôi sao lùn đỏ hoặc nâu, thậm chí còn tối hơn gấp nhiều lần so với Sao Mộc.

Tác động của thiên thạch đã gây ra sự tuyệt chủng của khủng long 65 triệu năm trước đây và tác động của các sao chổi do Ngôi sao Thần Chết thỉnh thoảng phóng về Trái Đất có thể gây ra sự tuyệt chủng của sự sống trên hành tinh này.

Giáo sư vật lý trường Đại học bang Louisiana (Mỹ), John Matese, tính toán rằng Ngôi sao Thần Chết có thể lớn gấp 3-5 lần Sao Mộc.

Giáo sư Richard Muller của trường Đại học Berkeley (Mỹ), cho rằng Ngôi sao Thần Chết là ngôi sao lùn đỏ và cách Trái Đất 1,5 năm ánh sáng.

Kính thiên văn vũ trụ WISE mới nhất của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ đưa ra câu trả lời cho sự tồn tại của Ngôi sao Thần Chết vào năm 2013 khi nó hoàn thành việc quét vũ trụ trong quang phổ của tia cực tím./.

Theo TTXVN/Vietnam+
  • 4,85
  • 5.137