Giả thuyết về sức sống của 'hạt thóc 3.000 năm'

  •  
  • 1.793

"Trong khu vực lưu giữ hạt thóc có lẫn lộn rất nhiều tro, gạo cháy... Có thể chính môi trường này đã tạo điều kiện yếm khí tuyệt đối khiến hạt giống giữ được sức sống sau hàng nghìn năm", giáo sư Đào Thế Tuấn nêu giả thuyết.

Sau khi hay tin khu di chỉ Thành Dền phát hiện ra những hạt thóc ở tầng văn hóa Đồng Đậu nảy mầm, chiều 18/5, rất nhiều chuyên gia đã tìm tới đây. Trong số đó có giáo sư Đào Thế Tuấn (từng là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô); ông Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng Khoa học nông nghiệp Việt Nam; phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Cường, Phó tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam và các chuyên gia đến từ ĐH Quốc gia Hà Nội.

Chăm chú quan sát nơi phát lộ các hạt thóc, ông Đào Thế Tuấn, vị giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam nhận định, các hạt này có hình dạng ngắn, bề ngang rộng chứ không thon dài như lúa nhiệt đới. Đây là cũng là hình dạng của các loại lúa cổ xưa nhất ở Việt Nam như lúa nương, lúa nếp. 

Tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung (áo hoa) trao đổi với các nhà khoa học tại một hố khai quật ở Thành Dền. Ảnh: Nguyễn Hưng.


Lý giải về điều kiện để duy trì sức sống hạt giống, giáo sư Tuấn cho rằng, điều kiện tốt nhất là môi trường yếm khí. Tuy nhiên, ngay cả trong những phương pháp hiện đại nhất như bơm chân không thì cũng không thể gây được chân không hoàn thiện.

"Theo tôi, nếu đúng là hạt thóc 3.000 năm nảy mầm thì có lẽ ở đây có một điều kiện đặc biệt nào đấy, tạo cho khu vực lưu trữ hạt thóc ở di chỉ Thành Dền chân không tốt nhất, giữ được sức sống cho chúng. Tôi giả định rằng trong khu vực lưu giữ các hạt thóc có lẫn lộn rất nhiều tro, hạt gạo cháy... Có thể chính môi trường này đã tạo điều kiện yếm khí tuyệt đối", vị giáo sư nêu giả thuyết.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng để mở khả năng ngoài môi trường yếm khí ra, "có thể có những điều kiện mà con người chưa xác định được".


Đồng quan điểm với giáo sư Đào Thế Tuấn, Viện trưởng Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Văn Bộ cho biết, không loại trừ khả năng những hạt thóc này được bao bọc bởi một môi trường đặc biệt, có thể là yếm khí hoàn toàn mà con người chưa biết đến.

"Đây là một hiện tượng hy hữu, cũng giống như trường hợp mộ kết, hay chuyện một người không ăn uống trong mấy chục năm trời vẫn có thể sống khỏe mạnh mà khoa học vẫn chưa giải thích được", ông Bộ nói. 

Ông Nguyễn Lân Cường (đứng, áo trắng) vẫn không khỏi ngạc nhiên khi nghe tin về "hạt thóc 3.000 năm" nảy mầm. Sau khi có mặt tại Thành Dền, ông khẳng định những hạt thóc đúng là đã được khai quật từ tầng đất có niên đại 3.000 năm. Ảnh: Nguyễn Hưng.


Còn theo ông Nguyễn Lân Cường, trước khi đi khảo sát thực tế, ông rất nghi ngờ về câu chuyện hạt thóc sau 3.000 năm vẫn nảy mầm. "43 năm làm khảo cổ nhưng tôi chưa bao giờ nghe, hoặc chứng kiến chuyện này. Tôi cũng đã đọc rất nhiều tài liệu nhưng chưa thấy đề cập đến chuyện nào tương tự. Tôi rất sợ đó là những hạt thóc do chuột đào hang và tha xuống", ông Cường nói.

Mang theo những nghi ngờ tới Thành Dền, ông kiểm tra rất kỹ lưỡng các hố khai quật, hỏi han các công nhân và chuyên gia đoàn khảo cổ. "Đất ở đây bị nén rất chặt, không có dấu vết hang chuột. Về mặt sinh học vẫn phải đợi kết quả thí nghiệm của Viện Di truyền nông nghiệp, nhưng tôi hoàn toàn bị thuyết phục về niên đại của hạt thóc nảy mầm là cách đây khoảng 3.000 năm"
, vẫn chưa hết ngạc nhiên, ông Cường chia sẻ.

Trong khi đó, theo giáo sư Đào Thế Tuấn, việc phát hiện những hạt lúa, hạt gạo ở di chỉ thuộc văn hóa Đồng Đậu có ý nghĩa rất quan trọng. "Trước kia khi nghiên cứu về văn hóa Đồng Đậu, các nhà khoa học ít chú ý đến hạt lúa. Lần này nếu có hạt thóc, gạo được đo đạc có hệ thống sẽ có tác dụng lớn trong việc tìm hiểu vai trò di chỉ Đồng Đậu trong quá trình phát triển nông nghiệp VN", ông nói.

Cũng theo ông Tuấn, phát hiện này sẽ làm cơ sở để xác định nền văn minh lúa nước của đồng bằng sông Hồng trước đây ra sao. Về mặt sinh học, các hạt lúa nảy mầm sẽ cung cấp thông tin về giống, giúp các nhà khoa học biết được sự tiến hóa của cây lúa Việt Nam... Ông Tuấn cũng khẳng định, theo các tài liệu chính thức, chưa từng có phát hiện nào trên thế giới mà sau 3.000 năm hạt lúa vẫn nảy mầm.

Để xác định chính xác niên đại, Viện trưởng Khoa học nông nghiệp Nguyễn Văn Bộ cho biết sẽ đề nghị các nhà khảo cổ lấy mẫu gửi ra nước ngoài làm thí nghiệm theo phương pháp AMS (phương pháp xác định niên đại của các hiện vật hiện đại và chính xác nhất hiện nay). Theo ông Bộ, hiện tại Việt Nam chưa thể làm được AMS, còn sử dụng phương pháp đồng vị carbon (C14) cần rất nhiều mẫu và vẫn có sai số.

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết, ông cũng rất bất ngờ trước thông tin "hạt thóc 3.000 năm nảy mầm". Bộ trưởng đã giao cho Viện Khoa học Nông nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan để bảo quản tốt và theo dõi sự phát triển của những hạt giống đã nảy mầm. Viện cũng sẽ phối hợp các nhà khoa học quốc tế phân tích sâu về gene để từ đó tìm ra khả năng chọn tạo giống, sử dụng cho tương lai.

"Trong trường hợp thực sự cần thiết và các nhà khoa học có đề nghị, dù có tốn kém Bộ cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai", ông Phát nói.

Theo VnExpress
  • 1.793