Giấc mơ sáng suốt có thể được tạo nhờ tác động não bộ

  •  
  • 1.428

Những "giấc mơ sáng suốt" - thuật ngữ dùng để chỉ những giấc mơ mà trong đó ta có thể nhận thức được rằng mình đang mơ và có thể kiểm soát được giấc mơ đó - là vô cùng hiếm gặp. Tuy nhiên, giờ đây các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng họ có thể tạo ra trạng thái kỳ lạ này bằng cách tác động vào não bộ, sử dụng một tần số điện từ nhất định.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng điều này sẽ có tác dụng", tiến sỹ John Allan Hobson, nhà tâm thần học và nhà nghiên cứu về giấc ngủ thuộc đại học Harvard cho biết. "Nhưng có vẻ như nó có tác dụng thật".

Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, khi các tình nguyện viên được tác động bởi một xung điện có tần số 40Hz, những "giấc mơ sáng suốt" xuất hiện tới 77% trong tổng thời gian mơ của họ.

Một giấc mơ sáng suốt có thể được coi là sự giao hòa của hai trạng thái ý thức - ý thức trong những giấc mơ bình thường và ý thức trong trạng thái tỉnh táo, với khả năng kiểm soát và nhận thức cao hơn.

Sự giao hòa này có thể được nhận thấy trong sóng não. Các giấc mơ thông thường có mẫu sóng não đặc trưng riêng; mặt khác, trong khi trải nghiệm các giấc mơ sáng suốt, sóng não của người mơ sẽ là sóng gamma. Sóng này thường thu được ở phần não trước.

Giấc mơ sáng suốt có thể được tạo nhờ tác động não bộ

Trong thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã đặt các điện cực lên đầu của 27 người tham gia để kích thích phần não trước của họ, và tái tạo sóng gamma giống như sóng não khi gặp những giấc mơ sáng suốt.

Trong vòng bốn đêm, các nhà nghiên cứu đã truyền xung điện kéo dài 30 giây này vào não bộ của những người tham gia trong vòng hai phút sau khi họ rơi vào trạng thái mơ. Tần số của xung điện dao động từ 2Hz cho tới 100Hz, và đôi khi các nhà nghiên cứu không truyền xung điện nào.

Những người tham gia sau đó được đánh thức ngay lập tức để miêu tả về giấc mơ của họ cho một người phỏng vấn, và người này không hề biết họ đã được tác động bằng xung điện nào.

Dữ liệu EEG thu được cho thấy hoạt động gamma của não bộ tăng lên khi dòng điện đạt tần số 40Hz, và tăng chậm hơn ở mức 25Hz. Ngoài ra, các tần số khác không làm thay đổi sóng não, và cũng khiến những người tham gia thí nghiệm trải nghiệm những giấc mơ sáng suốt.

Những giấc mơ sáng suốt là cơ hội để các nhà khoa học nghiên cứu về những thay đổi của não bộ trong khi chuyển từ trạng thái ý thức này sang trạng thái ý thức khác, và kết quả nghiên cứu mới đã cho thấy rằng việc nghiên cứu này có thể trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

"Thay vì việc chờ đợi những giấc mơ này đến một cách tự nhiên, giờ đây chúng ta có thể thí nghiệm, đưa ra các kích thích khác nhau và theo dõi kết quả. Thật kỳ diệu", Hobson chia sẻ.

Ngoài việc làm rõ những hiện tượng xảy ra trong các giấc mơ sáng suốt, các phát hiện mới còn có thể giúp tìm hiểu thêm về những đặc điểm của ý thức và sự hình thành ý thức.

"Điều này đã cho chúng ta biết rằng ý thức rõ ràng là một chức năng của não bộ", Hobson cho biết. "Mặc dù điều này đã được xác định từ trước, tuy nhiên cơ chế hoạt động của ý thức là không rõ ràng. Nghiên cứu lần này đã cung cấp một cách nhìn khác về cơ chế của ý thức".

Kết quả của nghiên cứu được trình bày chi tiết hơn trên tờ Nature Neuroscience số ngày 11/5.

Theo Vietnam+
  • 1.428