Giải mã hội chứng nhầm lẫn vịt thành chó?

  •  
  • 720

Mặc dù đa số chúng ta vẽ một con vịt không hoàn hảo lắm, song vẫn chính xác, thì một số ít người lại phác họa chú ta thành 4 chân và thậm chí có thêm cả... lông mày.

Những người này mắc phải một dạng quen thuộc của chứng rối loạn mất trí giữa các khái niệm như "chim""chó", và sẽ tạo ra những bức vẽ kỳ lạ nhất. Đó là do họ bị hỏng nặng vùng não lưu trữ ý nghĩa.

Các bức vẽ của bệnh nhân mất trí theo thời gian càng trở nên kỳ lạ. Từ phải sang, ngay sau khi quan sát ảnh gốc, sau 10 giây và sau 60 giây.
Các bức vẽ của bệnh nhân mất trí theo thời gian càng trở nên kỳ lạ. Từ phải sang, ngay sau khi quan sát ảnh gốc, sau 10 giây và sau 60 giây. (Ảnh: BBC)

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Manchester (Anh) cuối cùng đã hoá giải được cuộc tranh cãi kéo dài 150 năm qua, bằng cách chỉ ra vị trí thực sự của vùng não này. Họ cho rằng đó là khoang não nằm dưới tai, có tên gọi thuỳ thái dương.  

Nhóm nghiên cứu trước kia từng phỏng đoán rằng thuỳ thái dương có liên quan đến hiện tượng rối loạn này. Nghi ngờ của họ dựa trên các bức ảnh cho thấy những người mắc chứng mất trí ngữ nghĩa (bị lẫn lộn thậm chí cả các khái niệm đơn giản như "xe hơi" và "cái nĩa") bị mất mô trong vùng não nói trên. Tuy nhiên cho đến nay phỏng đoán này vẫn chưa được công nhận, bởi những bệnh nhân đó cũng có những tổn thương não ở vùng khác.

Bằng việc chủ ý làm chậm hoạt động của thuỳ thái dương ở những người tình nguyện có não bình thường, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra được nó đóng vai trò trong việc lưu trữ ý nghĩa.

Mất trí ngữ nghĩa

Mất trí ngữ nghĩa là dạng mất trí phổ biến thứ hai ở những người dưới 65 tuổi. "Với những bệnh nhân này, đó không phải là việc các từ bị xoá hẳn khỏi từ điển, vì thế hôm nay bạn biết về con vịt, và ngày mai thì quên tịt. Thay vào đó, thông tin về con vật dần dần nhoà đi, và bạn ngờ ngợ được con vịt nó trông như thế nào, nhưng không thể mô tả chính xác được", giáo sư Matthew Lambon Ralph, từ Đại học Manchester nói.

Triệu chứng hiện rõ nhất khi bệnh nhân được yêu cầu vẽ các bức tranh. Đầu tiên, một người bệnh được yêu cầu copy trực tiếp một bức tranh đặt ngay phía trước cô ta. Cô làm việc đó khá tốt. Nhưng khi phải vẽ lại cũng bức tranh nói trên sau 10 giây hoặc 60 giây sau khi quan sát bức tranh gốc, người bệnh bắt đầu lẫn lộn các khái niệm về con vịt với những con vật khác.

Những bệnh nhân như vậy cũng không kết nối được các mùi vị hoặc cảm giác xúc giác nhất định với những vật thể cụ thể. Chẳng hạn, nếu họ ngửi thấy mùi chanh, họ không liên tưởng được cái gì tạo ra mùi hương đó.

T. An

Theo BBC, Vnexpress
  • 720