Những sinh vật mới tại rừng nhiệt đới Borneo

  •  
  • 3.052

Quỹ Động vật hoang dã thế giới vừa ra báo cáo về động thực vật mới phát hiện tại khu vực rừng nhiệt đới Borneo với nhiều loài mới kỳ lạ.

Borneo là đảo lớn thứ ba thế giới với diện tích 743.330km2. Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm giữa biển Đông và Java, đảo Borneo là một trong những nơi đa dạng sinh học cao nhất thế giới.

Theo báo cáo của WWF (Quỹ động vật hoang dã thế giới), có hơn 123 loài mới được phát hiện ở rừng Borneo từ tháng 2/2007. Điều này nằm trong nỗ lực chung của các nước có chung lợi ích trên đảo thiết lập khu vực bảo tồn rừng nhiệt đới rộng 220.000 km2.

Tỷ lệ phát hiện mới các loài mới là 3 loài một tháng. Trước đây, các nhà khoa học tính toán, có khoảng hai triệu loài đã biết trên Trái Đất, và còn có khoảng 5 - 100 triệu loài vẫn chưa được khám phá.

Theo ông Adam Tomasek, trưởng dự án WWF tại rừng Borneo: "Trong ba năm, những khám phá khoa học độc lập đã chứng minh, những dạng sống mới tiếp tục thu hút sự tham gia của các nhà khoa học ở trái tim của Borneo."

Dưới đây là một số loài mới phát hiện ở Borneo:

Loài chim gõ hoa mới được phát hiện được đặt tên với phần mắt có khuyên như kính. Chúng có thân hình màu xám với những đường vòng cung trắng ở bên trên và dưới mắt. Chúng sống chủ yếu ở tầng tán cây cao.

Với chiều dài tới 0,5 m, loài bọ que Phobaeticus trở thành loài côn trùng dài nhất trong họ của mình. Chúng được tìm thấy ở công viên Gunung Kinabau, Sabah. Mới chỉ có 3 cá thể của loài này được tìm thấy.

Loài ếch đầu bằng dài khoảng 7 cm là loài ếch đầu tiên không có phổi. Chúng hô hấp qua da. Chính điều này khiến cơ thể chúng phẳng hơn, tạo bề mặt tiếp xúc và hấp thụ nhiều hơn oxy. Hình dạng kiểu khí động học giúp chúng bơi khéo léo hơn trong những dòng suối chảy nhanh ở rừng mưa Kalimantan của Borneo.

Với 8 vây chèo, dài 3,6 cm, loài cá mới được phát hiện có tên Eirmotus Insignis. Chúng sống ở những dòng suối nước nông, ấm chảy chậm ở rừng mưa, sống chủ yếu ở vùng trung tâm Borneo.

Loài kiến đỏ nâu Lordomyrma từng được phát hiện vào năm 2008. Vào lần đó, 7 cá thể thu được từ một đống lá trong rừng mưa Sabah, Borneo.

Các nhà khoa học vừa khám phá loài tôm hồng nước ngọt mới, tên khoa học là Macrobrachium ở sông Keilan, nằm ở khu vực Đông Kalimantan, tâm rừng Borneo. Loài tôm mới này khá nhỏ, chỉ dài khoảng 1 cm; chúng khác biệt so với các loại cùng họ ở số lượng răng.

Loài ốc sên Ibycus với hai màu vàng và xanh được phát hiện trên những lá cây tại khu rừng độ cao 1.900 m ở Sabah, Malaysia. Chúng có cái đuôi dài 4 cm, gấp ba lần chiều dài của đầu.

Loài rắn Kopstein lưng bạc có thể đạt độ dài ấn tượng, 1,5m. Cổ chúng có màu cam sáng. còn phần thân với lớp vảy nhiều màu sắc: xanh lá cây, xanh dương, nâu.

Loài ếch nhỏ Rhacophorus vừa được phát hiện tại công viên Gunung Mulu, Sarawak, tâm Borneo. Con đực trưởng thành dài chỉ 3,5 cm. Còn được gọi là ếch bay Mulu, da của chúng có màu xanh lá cây vào ban đêm nhưng chuyển sang màu nâu ban ngày. Màu mắt chúng cũng thay đổi theo.

Một loài lan hoang dã có tên Thrixspermum Erythrolomum vừa được phát hiện. Loài lan sống ở dãy núi cao thứ hai của Malaysia, Gunung Trus Madi, 2.642 m.

Theo Báo Đất Việt
  • 3.052