Giếng cổ ở khu đô thị Ciputra sâu trên 6 mét

  •   4,52
  • 1.159

Chiều 21/4, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Cường cho biết, khai quật tới đáy, giếng cổ ở khu đô thị Ciputra (Hà Nội) có độ sâu trên 6 mét. Việc có di dời 2 ngôi mộ và giếng cổ về bảo tàng hay không còn phải chờ kết quả đánh giá của các nhà khoa học.

>> Phát hiện hai ngôi mộ nghìn tuổi ở khu đô thị Ciputra

Chiều 21/4, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Cường cho biết, giếng cổ ở khu đô thị Ciputra đã được đào tới đáy sau một tuần khai quật. Ngoài 1,4 mét bị máy xúc bạt đi khi làm đường, đội khai quật phải đào thêm 4,7 mét nữa mới tới đáy.

Đội khảo cổ ghi nhận, thân giếng được xây bởi các lớp gạch đơn bó chéo nhau, đường kính lòng giếng trên 70 cm, thành dày chừng 25 cm, bề mặt đáy được lát bằng gỗ. Giếng bị lấp đầy bởi bùn đất, gạch và sành sứ qua các thời kỳ nên việc khai quật mất nhiều thời gian.


Lòng giếng hẹp khiến việc khai quật tiêu tốn nhiều thời gian. Ảnh:
Nguyễn Hưng.

Cách giếng không xa, hai mộ cổ đã hoàn tất việc khai quật. Toàn bộ hiện vật đang được cất giữ ở Phòng Văn hóa huyện Từ Liêm. Theo tiến sĩ Nguyễn Lân Cường, các nhà khoa học lịch sử đầu ngành đều rất thích thú với việc phát hiện cặp mộ và giếng cổ.

"Tôi và nhiều chuyên gia đầu ngành đều có chung nhận định cặp mộ cổ là phát hiện rất hay. Riêng hàng đan chéo ở nóc mộ chưa từng được ghi nhận ở đâu khác", Phó tổng thư ký Hội khảo cổ khẳng định.

Trước đó ngày 18/4, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử, giáo sư Phan Huy Lê, đã tới hố khai quật và mong muốn sớm có kế hoạch bảo tồn di tích này. Phương án khả thi nhất là di dời về Bảo tàng Hà Nội vì nếu xây dựng khu trưng bày tại chỗ kinh phí rất tốn kém. Nếu không nhanh chóng có hướng giải quyết, hai ngôi mộ cổ rất dễ bị sập khi gặp mưa gió.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Cường, việc có di dời giếng và mộ cổ hay không phải đợi quyết định của UBND thành phố Hà Nội.


Theo các nhà khảo cổ, nếu để phơi mưa phơi nắng như hiện nay, cặp mộ cổ rất dễ sập vì không còn gì che chắn. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Trao đổi với VnExpress, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc di dời mộ và giếng về bảo tàng không khó. Nếu giếng quá sâu, sau khi bóc gỡ khỏi nền đất có thể cắt đôi để chuyển về, sau đó ráp lại, gia cố để trưng bày. Song theo ông Hùng, tiến hành hay không còn cần sự xem xét của một hội đồng khoa học.

"Sở Văn hóa Thông tin và Du lịch thành phố sẽ tổ chức hội thảo để đánh giá về giá trị của di tích, xác định liệu các di tích có thực sự quý giá, phù hợp để trưng bày ở Bảo tàng Hà Nội hay không", ông Hùng nói và cho biết thêm mộ thời Hán ở Việt Nam không hiếm, bảo tàng hiện có 2 vỏ mộ của thời này.

Trước đó ngày 1/4, máy xúc của đơn vị thi công đặt ống cống đã xúc trúng vào cửa một ngôi mộ cổ có kết cấu bằng gạch nung. Mộ thứ hai, nhỏ hơn, phát lộ khi đang khai quật ngôi mộ này. Hai tuần sau, cách đó chừng 100 mét, giếng cổ được lộ ra trong quá trình thi công đường giao thông nội bộ khu đô thị Ciputra.

Theo tiến sĩ Nguyễn Lân Cường, khu vực này có thể còn nhiều di tích quý. Nhiều khả năng đây là nơi cư trú của một cộng đồng dân cư khoảng thế kỷ 4-6 tại ngoại vi thành Đại La cũ và cạnh sông Hồng. Hàng chục viên gạch xám được phát hiện trong lòng giếng mang niên đại trải dài từ thế kỷ 6 đến 15 chứng tỏ sự tồn tại liên tục và lâu dài của cộng đồng này.

Theo Vnexpress
  • 4,52
  • 1.159