Hà Nội: Bắt đầu có gia cầm chết bất thường

  •  
  • 65

Hà Nội đã phát hiện có ngan chết bất thường tại một hộ chăn nuôi ở thôn 4, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì. Cơ quan chức năng đã tiêu huỷ, khoanh vùng và khử trùng khu vực xung quanh. Mẫu bệnh đã được gửi tới Trung tâm Chẩn đoán Thú y TƯ, chờ kết quả xét nghiệm.

Trước tình hình dịch cúm gia cầm bùng phát tại các địa phương lân cận, chiều nay (6/6) Phó Chủ tịch UBND TP Lê Quý Đôn đã chủ trì cuộc họp triển khai các biện pháp cấp bách để phòng chống dịch cúm trên địa bàn Thủ đô.

Ban chỉ đạo Phòng chống dịch cúm gia cầm của TP cho biết, đến nay, Hà Nội đã tiêm phòng vắc-xin cho 2,3 triệu con gia cầm, đạt gần 94% lượng gia cầm trong diện phải tiêm. Chi cục Thú y TP ngày 25/6 đã nhập và cấp H5N9 cho các huyện để tiêm được cho 70% đàn ngan. Dự kiến, 90.000 con ngan còn lại sẽ được tiêm phòng trước 10/6.

Sẽ tiến hành tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi gia cầm trên toàn quốc. (Ảnh: VNN)

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đặng Vũ Nhật Thăng nói, quận này vẫn còn tới 17.000 con gia cầm chưa có vắc-xin tiêm phòng.

Theo Sở NN-PTNT Hà Nội, hiện 8 chốt kiểm dịch mới kiểm dịch được 10% lượng gia cầm ra vào thành phố.

Trong khi đó, cuối tháng 5, tại một hộ chăn nuôi ở thôn 4, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì đã phát hiện có ngan chết bất thường. Cơ quan chức năng đã tiêu huỷ, khoanh vùng và khử trùng khu vực xung quanh. Mẫu bệnh đã được gửi tới Trung tâm Chẩn đoán Thú y TƯ, chờ kết quả xét nghiệm. Điều đáng lo ngại là một số địa phương vẫn chủ quan, chưa coi trọng công tác chống dịch, quản lý chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ trên địa bàn.

Do vậy, tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Quý Đôn đã yêu cầu các địa phương phải chỉ đạo thực hiện kiên quyết, đồng bộ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT. Sở NN-PTNT Hà Nội sẽ thành lập 2 tổ kiểm tra lưu động về công tác phòng chống dịch, giám sát chăn nuôi, vận chuyển giết mổ gia cầm. Mỗi quận, huyện cũng tổ chức kiểm tra tại địa phương.

Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách để thành lập Ban Thú y xã để triển khai công tác phòng chống dịch tốt hơn.

Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) hôm 6/6 đã xác nhận thêm một ổ dịch mới ở TP. Cần Thơ, tại 1 hộ chăn nuôi vịt thuộc Nông trường Cờ Đỏ, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Thạnh, làm 33 con chết trên tổng đàn 147 con vịt (47 ngày tuổi chưa được tiêm phòng vắc-xin). Kết quả xét nghiệm dương tính với virus H5N1.

Tại Bắc Giang cũng xảy ra 3 ổ dịch mới tại xã Đồng Phúc, huyện Yên Dũng; phường Mỹ Độ, phường Thọ Xương (thị xã Bắc Giang) trên đàn vịt hơn 1 tháng tuổi. Chi cục Thú y đã phối hợp với chính quyền địa phương tiêu huỷ toàn bộ số vịt mắc bệnh trên, tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng theo đúng quy định.

Tính đến ngày 6/6/2007 Hà Nam, Bắc Ninh (12 ngày), Vĩnh Phúc (11 ngày), Hưng Yên (9 ngày) qua không phát sinh ổ dịch mới. Tính từ đầu tháng 5/2007, dịch cúm gia cầm đã tái phát tại 15 tỉnh trên toàn quốc, buộc chính quyền địa phương phải tiêu huỷ hơn 100.000 con gia cầm các loại.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng vừa có Công văn yêu cầu UBND các tỉnh, thành triển khai "Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường toàn quốc" trong tháng 6. Theo dó, các cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung phải phát quang cây cỏ xung quanh nhà nuôi gia cầm, quét dọn thu gom phân rác để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh; tiêu độc toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận mỗi tuần 3 lần.

Riêng các hộ gia đình, buộc phải nuôi nhốt và phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực nuôi nhốt gia cầm và vùng phụ cận mỗi tuần 2 lần.

H.Yên

Theo Vietnamnet
  • 65