Hạ viện Mỹ thông qua dự luật: Ủng hộ nghiên cứu tế bào gốc

  •  
  • 94

Với 253 phiếu thuận trên 174 phiếu chống, ngày 12-1, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ủng hộ nghiên cứu tế bào gốc. Đây là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi trong dư luận nước Mỹ từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, sự kiện này đã phản ánh đúng ý nguyện của dân chúng khi mà các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy phần lớn người Mỹ ủng hộ nghiên cứu tế bào gốc.

Nghiên cứu tế bào gốc ở Mỹ - Phép vua thua lệ làng

Chính quyền Tổng thống George W. Bush hiện nay không ủng hộ việc sử dụng tế bào gốc phôi người. Tuy nhiên, vấn đề “cấm hay không cấm nhân bản vô tính” ở Mỹ càng trở nên sôi động hơn khi nhiều bang nước Mỹ chủ động triển khai các cuộc chạy đua trong lĩnh vực này. Tháng 11-2004, cử tri bang California đã thông qua đề xuất 71 dành khoản kinh phí 3 tỷ USD cho việc nghiên cứu nhân bản vô tính.

(Ảnh: SGGP)Cụ thể, mỗi năm, các nhà khoa học nghiên cứu tế bào gốc tại bang này sẽ được hỗ trợ 300 triệu USD trong thời gian 10 năm. Sau khi đề xuất trên được thông qua, hàng loạt các công ty công nghệ sinh học ở Mỹ đổ xô về bang California để hòng tranh thủ khoản kinh phí này. Trong bối cảnh đó, nhiều bang khác của Mỹ cũng ngay lập tức triển khai những chính sách cho nghiên cứu tế bào gốc. Chính quyền bang Illinois đang trưng cầu dân ý để cử tri thông qua đề xuất tài trợ 1 tỷ USD. Còn Thống đốc bang Winsconsin lại đề nghị xây dựng một viện nghiên cứu tế bào gốc trị giá 375 triệu USD…

Nghiên cứu tế bào gốc là một trong những ưu tiên hàng đầu của đảng Dân chủ. Đây cũng chính là “chìa khóa” mà đảng này dùng để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11 năm ngoái. Tổng thống Bush tuyên bố vẫn tiếp tục phủ quyết dự luật này sau khi đã một lần phủ quyết vào năm ngoái. Tuy nhiên, dư luận Mỹ nhận định cánh cửa cho nghiên cứu tế bào gốc đã mở.

Thái độ thế giới với nghiên cứu tế bào gốc

Với 71 phiếu thuận, 35 phiếu chống và 43 phiếu trắng, ngày 18-2-2005, Đại hội đồng LHQ đã thông qua tuyên bố kêu gọi chính phủ các nước cấm nhân bản người dưới mọi hình thức, bao gồm cả những kỹ thuật được sử dụng trong nghiên cứu tế bào gốc. Tuy nhiên, đề nghị này đã không đạt được sự nhất trí của các nước trên thế giới.

Nhiều nước cấm nhân bản vô tính người nhưng vẫn cho phép sử dụng tế bào gốc trong nghiên cứu khoa học. Cho đến nay, những nước châu Âu cho phép nghiên cứu tế bào gốc gồm Thụy Điển, Phần Lan, Hy Lạp và Hà Lan. Anh và Bỉ đã cho phép nhân bản phôi thai người để lấy tế bào gốc. Hà Lan, Pháp, Đan Mạch và Tây Ban Nha chỉ cho phép nghiên cứu phôi thai người thừa ra trong quá trình thụ tinh nhân tạo. Đức và Áo chỉ cho phép nghiên cứu những tế bào gốc nhập khẩu từ nước khác.

Tại châu Á, các nước như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản cũng xem nghiên cứu tế bào gốc là một cách để dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Nổi bật trong lĩnh vực này là Hàn Quốc. Tháng 2-2004, các nhà khoa học Hàn Quốc đã nhân bản thành công phôi thai người đầu tiên và thu thập được tế bào gốc. Một nhóm nghiên cứu khác thuộc đại học Chosun đã giúp cho một phụ nữ đi lại được sau 20 năm bị bại liệt, bằng cách sử dụng tế bào gốc ở máu cuống rốn để sửa chữa cột sống. Chính phủ Hàn Quốc muốn đến năm 2012, họ sẽ trở thành nước đứng thứ 7 thế giới trong ngành công nghệ sinh học.

Hạnh Chi

Theo Sài Gòn giải phóng
  • 94