Hai nhân vật thay đổi cách khai thác Internet

  •  
  • 237

Niklas Zennström và Janus Friis là hai nhân vật đã phát minh ra những sản phẩm có tính đột phá, thu hút sự quan tâm của hàng trăm triệu người trên thế giới.

Sau thành công của mạng chia sẻ ngang hàng Kazaa, họ lấn sân sang lĩnh vực đàm thoại qua Internet và phát triển phần mềm VoIP Skype. Họ bán lại Skype cho eBay với giá 2,6 tỷ USD rồi bắt tay vào xây dự hệ thống Joost (Venice Project), hỗ trợ chia sẻ video trực tuyến tương tự YouTube. Dự tính, hai người sẽ cho ra mắt phiên bản Joost chính thức ngay trong năm nay.

Niklas Zennström và Janus Friis

Niklas Zennström hiện làm giám đốc điều hành và là người đồng sáng lập ra Skype. Anh là người chịu trách nhiệm về việc xây dựng chiến lược cho công ty và theo dõi hoạt động của Skype, cũng như đính hướng tương lai của Skype trên tầm cỡ quốc tế.

Niklas Zennström

Trong cuộc đời sự nghiệp của mình, Niklas đã đạt được nhiều giải thưởng trong đó có giải “Lãnh đạo doanh nghiệp năm 2006” (do European Voice bình chọn), “Sáng tạo trong máy tính và truyền thông năm 2006” (giải thưởng sáng tạo dành cho các nhà kinh tế) và “Giải thưởng truyền thông trong kinh doanh dành cho những cá nhân có vai trò làm thay đổi công nghệ năm 2006 mang tên Wharton Infosys”. Niklas còn được mệnh danh là “Doanh nhân của năm” (giải thưởng Nhà lãnh đạo châu Âu năm 2006). Gần đây nhất, anh được tạp chí Time đưa vào danh sách 100 nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong năm 2006 do tạp chí Time bình chọn. 

Chuyên gia phần mềm người Thụy Điển này khởi nghiệp khi còn làm việc cho một hãng viễn thông giá rẻ ở châu Âu có tên Tele2 hồi giữa thập kỷ trước. Anh có bằng đại học về kinh doanh và bằng cao học về vật lý kỹ thuật/khoa học máy tính tại trường Đại học Uppsala, Thụy Điển, trong đó có năm cuối cùng học ở trường Đại học Michigan, Ann Arbor. Tại đây, anh đã gặp người cộng sự Janus Friis.

Cũng như Niklas, Janus Friis là người làm việc không biết mệt mỏi. Hiện Janus đang là Phó chủ tịch chịu trách nhiệm điều hành về lĩnh vực sáng tạo, nhìn trước những chiến lược kinh doanh của Skype và phát triển công ty. Janus là thành viên rất năng động của Ban điều hành Skype. Anh thường xuyên làm việc với các nhóm kỹ thuật và sản phẩm để không ngừng phát triển Skype nhằm duy trì vai trò dẫn đầu trong lĩnh vực truyền thông trên internet. Nhưng khác với Niklas, Janus lớn lên ở Đan Mạch. Anh tự đi lên bằng chính mình và không có bằng cấp chính thức nào cả.

Skype và những tham vọng

Tháng 3-2001, Janus Friis và Niklas Zennström tung ra ứng dụng Kazaa để bắt đầu kiếm tiền bằng cách khai thác cơn sốt chia sẻ file mà mạng âm nhạc Napster khởi xướng. Điều tạo nên ảnh hưởng cho Kazaa chính là việc nó không tập trung hóa tất cả các danh mục mà mọi người chia sẻ. Cách tiếp cận này đã giúp chính bản thân Kazaa và nhiều dịch vụ chia sẻ file tương tự tránh khỏi những rắc rối về nhiều khía cạnh, trong đó lớn nhất là mặt pháp lý. Kết quả là một sự bùng nổ các hoạt động trao đổi file nhạc bắt đầu và nhiều bộ phim cũng nhanh chóng xuất hiện qua hệ thống này khi mà băng thông rộng trở nên phổ biến.

Janus Friis

Sau Kazaa, dự án kinh doanh lớn thứ hai của họ là phần mềm Skype, ra mắt năm 2003, và cũng đi theo hướng khai thác công nghệ hoàn toàn mới. Trụ sở của Skype nằm ở Luxembourg. Dựa trên nền giao thức thoại Internet VoIP, Skype cho phép người dùng thực hiện cuộc gọi miễn phí với nhau hoặc với mức phí rất thấp từ khắp nơi trên thế giới.

Skype kiếm tiền thông qua một số lượng nhỏ những khách hàng bỏ tiền mua thêm dịch vụ mở rộng, chẳng hạn như tiện ích cho phép gọi từ Skype sang mạng điện thoại cố định hoặc ngược lại.

Zennström nhấn mạnh rằng việc không lấy tiền của tất cả người sử dụng như vậy cũng chẳng phải ý tưởng gì mới. “Điều này tương tự như Google. Khi sử dụng công cụ tìm kiếm của họ, khách hàng không phải trả tiền nhưng đôi khi khách hàng click vào các mục quảng cáo và Google kiếm tiền từ những hãng có quảng cáo đó. Skype cũng kiếm tiền như vậy. Chỉ cần một số người bỏ tiền mua thêm dịch vụ chứ không phải tất cả”.

Ngoài ra, những cuộc nghe và gọi điện thoại từ internet vào di động, từ voicemail và những cuộc gọi chuyển tiếp cũng cung cấp một khoản lợi nhuận khổng lồ cho họ.

Những thành công không ngừng của Skype đã chính thức được ghi nhận vào tháng 9 năm 2005 khi eBay mua lại công ty này với giá 2,6 tỷ USD. Đây là vụ mua bán công ty truyền thông lớn nhất của thời đại. Với 28 ngôn ngữ, hiện nay, Skype có mặt ở hầu hết tất cả các nước trên thế giới. Số người đăng ký sử dụng Skype hiện nay đã tăng lên đến 196 triệu và đạt con số download phần mềm Skype thứ nửa tỷ.

Sau khi bán Skype cho eBay với giá 2,6 tỷ USD, hiện nay hai người đang bắt tay vào xây dự hệ thống Joost (Venice Project), hỗ trợ chia sẻ video trực tuyến tương tự YouTube. Dự tính, hai người sẽ cho ra mắt phiên bản Joost chính thức ngay trong năm nay.

Tam Hà

Theo TTO
  • 237