Hạn chế ô nhiễm do chăn nuôi bằng hầm biogas

  •  
  • 1.379

Theo Văn phòng Khí sinh học thành phố Hà Nội, hiện các huyện, thị xã ngoại thành Thủ đô đã xây dựng được gần 40.000 công trình khí sinh học (hầm biogas).

Trong số này có 10.000 hầm được xây dựng từ sự hỗ trợ kinh phí của Dự án “Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức hợp tác phát triển của Hà Lan tài trợ.


Một công trình khí sinh học. (Nguồn: Internet)

Những công trình khí sinh học này đã góp phần đáng kể trong việc hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường do chăn nuôi ở khu vực ngoại thành Thủ đô hiện nay.

Tại nhiều trang trạị chăn nuôi lớn ở ngoại thành Hà Nội, nhờ sử dụng nguồn bã thải khí sinh học để chạy máy phát điện, làm chất đốt đun nấu... đã tiết kiệm được công sức và chi phí sản xuất và sinh hoạt rất hiệu quả.

Điển hình như trang trại chăn nuôi lợn với quy mô nuôi gần 700 con lợn thịt,130 con lợn nái ngoại của anh Nguyễn Văn Phúc ở thôn Thanh Hà, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn.

Nhờ xây dựng năm hầm bioga có thể tích mỗi hầm gần 200m3 để vừa chống ô nhiễm môi trường do chăn nuôi vừa tạo lượng khí dùng chạy máy phát điện 15kw, trang trại của anh Phúc đã tiết kiệm được hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Hiện khu vực ngoại thành thành thành phố có gần 1.300 trang trại chăn nuôi và hàng chục nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với tổng số đầu lợn lên tới gần 1,7 triệu con. Nếu không có biện pháp vệ sinh chuồng trại, xử lý chất thải chăn nuôi phù hợp, môi trường nông thôn sẽ bị ô nhiễm trầm trọng.

Việc xây bể khí sinh học ở các hộ chăn nuôi vì vậy đang góp phần làm giảm nguy cơ ô nhiễm nước, không khí và giảm phát thải khí nhà kính rất nhiều do nạn khí thải từ chăn nuôi và nước thải sinh hoạt gia đình gây ra.

Theo Vietnam+
  • 1.379