Hành tinh có... 3 mặt trời

  •   1,84
  • 4.911

Các nhà khoa học đã từng khám phá ra một hành tinh tương tự sao Mộc, nhưng nằm trong một hệ tam sao kỳ dị. Phát hiện này đã thách thức các lý thuyết về sự thành tạo hành tinh.

Hệ ba mặt trời này có tên gọi HD 188753, nằm trong chòm sao Cygnus. Cùng với hành tinh trên, chúng ở cách trái đất 149 năm ánh sáng, và đứng gần nhau như thể mặt trời của chúng ta gần với sao Thổ. Nếu bạn đứng trên bề mặt hành tinh đó, bạn sẽ thấy ba "mặt trời" trên đầu, mặc dù quỹ đạo trung tâm là xung quanh ngôi sao vàng lớn nhất.

Trong cách nghĩ truyền thống, những hành tinh khí khổng lồ như sao Mộc thường được hình thành trong một cái đĩa khí và vật chất đậm đặc, nằm cách sao mẹ ít nhất 3 đơn vị thiên văn, hay 3 lần khoảng cách giữa mặt trời và trái đất. Ở khoảng cách xa như vậy mới có đủ khoảng trống để các vật liệu rắn co cụm lại với nhau, hình thành nhân, và từ đó thu hút các khí xung quanh, tạo thành một hành tinh khổng lồ.

Sau khi những hành tinh này ra đời, chúng mới di chuyển vào phía trong để tạo ra những quỹ đạo rất gần sao mẹ như ta thấy ngày nay.

Song nếu sao mẹ có bạn đồng hành quá gần, lực hút của chúng sẽ làm ảnh hưởng đến sự hình thành đĩa vật liệu hành tinh xung quanh sao trung tâm. Trong trường hợp của hệ tam sao HD 188753, hai ngôi sao đi kèm sẽ "ăn bớt" chiếc đĩa vật liệu quanh ngôi sao chính, tới bán kính chỉ còn 1,3 đơn vị thiên văn, và chẳng chừa chỗ nào cho hành tinh ra đời cả.

"Bằng cách nào hành tinh có thể hình thành trong điều kiện phức tạp đó là một điều rất khó hiểu", tiến sĩ Maciej Konacki, từ Viện Công nghệ California, nhận xét. "Tôi tin rằng có rất nhiều điều chúng ta chưa biết về quá trình hình thành các hành tinh khổng lồ".

Phát hiện này có thể dẫn giới khoa học tới việc tìm kiếm các hành tinh ở những vị trí mới.

Bài do bạn Trần Ngọc Tuấn 9A/ĐK (Theo VnExpress/ABConline, Discovery)
Email:
[email protected]

TH
  • 1,84
  • 4.911