Hành tinh thứ 9 có thể gây ra đại tuyệt chủng trên Trái Đất

  •   55
  • 13.112

Hành tinh thứ 9 còn ẩn mình trong hệ Mặt Trời có thể là thủ phạm gây ra những cuộc đại tuyệt chủng đáng sợ, kéo theo sự tuyệt diệt của loài khủng long trên Trái Đất.

Hành tinh thứ 9 có thể gây ra những cơn mưa sao băng dẫn đến đại tuyệt chủng trên Trái Đất.
Hành tinh thứ 9 có thể gây ra những cơn mưa sao băng dẫn đến đại tuyệt chủng trên Trái Đất. (Ảnh: janez volmajer)

Theo Phys.org, nghiên cứu được công bố trên nguyệt san số tháng 1 của Hiệp hội Thiên văn học Hoàng gia. Daniel Whitmire, giáo sư vật lý thiên văn về hưu kiêm giảng viên toán ở Đại học Arkansas, Mỹ, cho rằng hành tinh thứ 9 hay hành tinh X chưa tìm thấy gây ra mưa sao băng gắn liền với những cuộc đại tuyệt chủng theo chu kỳ cách nhau 27 triệu năm trên Trái Đất.

Dù giới học giả thiên văn vẫn tìm kiếm hành tinh X trong suốt 100 năm qua, khả năng nó thực sự tồn tại rất lớn khi gần đây các nhà nghiên cứu từ Viện Công nghệ California (Caltech) phỏng đoán về sự hiện diện của nó dựa trên những bất thường trong quỹ đạo thiên thể ở vành đai Kuiper. Đây là khu vực hình đĩa bao gồm sao chổi và nhiều thiên thể lớn hơn ở phía ngoài Hải Vương tinh. Nếu kết luận của nhóm nghiên cứu ở Caltech chính xác, hành tinh X lớn gấp 10 lần khối lượng Trái Đất và ở xa Mặt Trời hơn 1.000 lần so với Trái Đất.

Whitmire và đồng nghiệp John Matese lần đầu công bố nghiên cứu về mối liên hệ giữa hành tinh X và các cuộc đại tuyệt chủng trên tạp chí Nature năm 1985 trong khi đang đảm nhiệm vị trí nhà vật lý thiên văn tại Đại học Louisiana, Lafayette. Công trình của họ từng xuất hiện trên tạp chí Time năm 1985.

Tại thời điểm đó, ba lý giải được đưa ra để giải thích về mưa sao băng: hành tinh X, sự tồn tại của ngôi sao giống Mặt Trời, và dao động theo chiều dọc của Mặt Trời khi nó xoay quanh dải thiên hà. Hai giả thuyết sau bị loại trừ do không phù hợp với ghi chép cổ sinh vật học. Hành tinh X là giả thuyết hợp lý nhất và đang gây chú ý.

Theo Whitemire và Matese, khi hành tinh X quay quanh Mặt Trời, quỹ đạo nghiêng của nó chậm rãi xoay tròn và cứ 27 triệu năm, hành tinh X lại đi qua vành đai sao chổi, khiến sao chổi bắn vào vành trong hệ Mặt Trời. Những ngôi sao chổi bật khỏi vị trí không chỉ va đập vào Trái Đất mà còn tan rã ở vành trong khi chúng đến gần Mặt Trời, làm giảm lượng ánh sáng Mặt Trời chiếu đến Trái Đất.

Năm 1885, nghiên cứu ghi chép cổ sinh vật học củng cố giả thuyết những cơn mưa sao băng diễn ra đều đặn cách đây 250 triệu năm. Nghiên cứu gần đây hơn tìm thấy bằng chứng chỉ ra sự kiện này có niên đại lâu hơn từ 500 triệu năm trước.

Whitmire và Matese công bố ước tính của riêng họ về kích thước và quỹ đạo của hành tinh X trong nghiên cứu ban đầu. Họ tin nó lớn hơn khối lượng Trái Đất từ 1 đến 5 lần và ở xa Mặt Trời hơn 100 lần so với Trái Đất. Con số họ đưa ra nhỏ hơn nhiều so với ước tính của Caltech.

Whitmire nhận định khả năng một hành tinh xa xôi có ảnh hưởng quan trọng đối với quá trình sự sống tiến hóa trên Trái Đất thực sự thú vị. "Tôi đã góp một phần trong câu chuyện này suốt 30 năm. Nếu có câu trả lời cuối cùng, tôi sẽ viết một cuốn sách về nó", Whitmire nói.

Cập nhật: 31/03/2016 Theo VnExpress
  • 55
  • 13.112