Hành trình xuyên bóng tối trong hang động lớn nhất thế giới ở Việt Nam

  •   2,33
  • 4.539

Đoàn thám hiểm 40 người thực hiện hành trình qua Sơn Đoòng, hang động tự nhiên lớn nhất thế giới ở Quảng Bình, Việt Nam, khám phá thế giới hoang sơ và kỳ vĩ bên trong hang.

Theo National Geographic, Sơn Đoòng là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới, được ghi nhận vào năm 2009. Phóng viên ảnh Martin Edström của National Geographic thực hiện chuyến thám hiểm ghi lại những khung hình kỳ vĩ của tuyệt tác tự nhiên bên trong hang Sơn Đoòng vào giữa tháng 5/2016.

Hang Sơn Đoòng được phát hiện bởi một dân người địa phương tên là Hồ Khanh. Anh Khanh cũng tham gia đoàn thám hiểm bao gồm 40 thành viên của Edström. Mục tiêu của đoàn thám hiểm là thu thập tư liệu về vẻ đẹp tinh tế, nguyên sơ bên trong hang Sơn Đoòng trước nguy cơ bị biến đổi bởi sự phát triển du lịch trong thời gian tới.

Không gian kỳ vĩ bên trong hang Sơn Đoòng.
Không gian kỳ vĩ bên trong hang Sơn Đoòng. (Ảnh: National Geographic).

Để cho ra đời mỗi bức ảnh toàn cảnh tại một địa điểm chụp, đoàn thám hiểm cần chụp tới 400 khung hình khác nhau để ghép lại, và thường mất vài tiếng đồng hồ để chuẩn bị ánh sáng trước khi Edström bắt đầu chụp ảnh. "Chúng tôi sử dụng 16 máy ảnh khác nhau và dùng tới 20 kg pin để bật đèn thắp sáng hang động", Edström chia sẻ.

Những bức ảnh khó chụp hơn và cũng ấn tượng hơn cả là kết quả từ đặc điểm cấu tạo gây bất ngờ nhất của hang Sơn Đoòng. "Chúng tôi đi trong bóng tối, không thể nhìn thấy gì ngoài ánh đèn trên đầu và sau đó nhận ra ở cách đó hàng kilomet bên trong hang, chúng tôi có thể nhìn thấy ánh sáng đầu tiên chiếu xuống hang", Edström hồi tưởng. "Đó là khoảnh khắc thực sự kích động khi bạn nhận ra mình đang đi xuyên qua hang động rộng lớn tối om về phía ánh sáng".

Ánh sáng lọt vào hang Sơn Đoòng thông qua hai hố sụt khổng lồ trên trần hang. Các nhà khoa học ước tính những hố sụt này hình thành cách đây hàng trăm nghìn năm khi trần hang đổ sụp. Những dòng sông chảy chậm rãi bên trên và tại một thời điểm trong lịch sử, trần hang trở nên quá yếu để chống đỡ, tạo ra những hố sụt và cho phép ánh sáng Mặt Trời chiếu vào trong hang, Edström giải thích.

Cập nhật: 19/07/2016 Theo VnExpress
  • 2,33
  • 4.539