Hé lộ cách Mỹ tiêu hủy vũ khí hóa học chết người

  •  
  • 1.296

Ở đâu đó giữa Đại Tây Dương, các chuyên gia quân sự và dân sự có mặt trên một tàu hàng của Mỹ đang làm nhiệm vụ tiêu hủy kho vũ khí hóa học chết người của Syria, kể cả các hóa chất cần thiết để sản xuất chất độc thần kinh sarin, vốn từng được sử dụng để giết chết 1.500 thường dân Syria hồi năm ngoái.

>>> Vũ khí hóa học Syria được "mổ xẻ" như thế nào?

Phần lớn kho vũ khí hóa học của Syria đã lên đường tới Phần Lan, Anh và Mỹ, nơi các nhà thầu chính phủ đã và đang mất hàng tháng để tieu hủy gần 1.300 tấn hóa chất. Số vũ khí này tiêu hủy theo các quy định do Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) đề ra.

Hồi tháng 9/2013, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã nhất trí tham gia Công ước vũ khí hóa học của OPCW, vốn đòi hỏi chính phủ của ông phải từ bỏ các vũ khí hóa học cũng như phá hủy các cơ sở sản xuất cũng như lưu trữ hóa chất khắp đất nước.

Tuy nhiên, theo Hamish de Bretton-Gordon, một chuyên gia vũ khí hóa học thuộc công ty an ninh SecureBio ở Anh, việc buộc Syria chấm dứt chương trình vũ khí hóa học chỉ mới là một nửa trận chiến. Trong lúc xảy ra nội chiến ở đất nước này, OPCW có nhiệm vụ vạch ra một kế hoạch loại bỏ các vũ khí hóa học khỏi Syria một cách an toàn.

Hé lộ cách Mỹ tiêu hủy vũ khí hóa học chết người
Một tàu kéo của Italia đang giúp tàu MV Cape Ray neo đậu ở cảng bốc dỡ công-ten-nơ Medcenter, Italia ngày 1/7/2014. (Ảnh: Live Science)

Ông de Bretton-Gordon tiết lộ, không phải ai cũng chấp nhận hỗ trợ OPCW. Chẳng hạn như, Đức và Albania đã từ chối cho phép phần lớn số vũ khí hóa học chết người của Syria đi qua biên giới của họ.

Mỹ rốt cuộc đã xúc tiến kế hoạch. Thay vì chuyên chở số vũ khí nguy hiểm chết người tới một quốc gia nhất định nào đó, Mỹ đã trang bị cho một tàu hải quân đủ dụng cụ cần thiết để tiêu hủy hóa chất trên biển.

Quá trình thủy phân ngoài khơi

Tàu MV Cape Ray, hiện đang neo đậu tại một vị trí "không xác định" trong vùng nước quốc tế ở Đại Tây Dương, là tàu biển đầu tiên kiểu này của Mỹ, được trang bị 2 hệ thống thủy phân FDHS vô hiệu hóa các hóa chất độc hại.

Theo ông de Bretton-Gordon, người từng là chuyên gia hóa chất, sinh học, phóng xạ và hạt nhân trong quân đội Anh suốt 23 năm, các hệ thống thủy phân như vậy không phải là công nghệ mới. Lí do vì, chúng từng được sử dụng để loại bỏ các kho dự trữ hóa chất nguy hiểm của các nước như Anh và Mỹ trong nhiều thập niên.

Tuy nhiên, việc đưa các hệ thống thủy phân lên một tàu biển là cách làm độc nhất vô nhị để giải quyết các vũ khí hóa học. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, hai hệ thống FDHS được đặt trong một chiếc lều bịt kín trên tàu Cape Ray. Mỗi hệ thống được trang bị một lò phản ứng có thành bằng titan để có thể xử lý các vật liệu ăn mòn một cách an toàn. Các hệ thống FDHS cũng được trang bị các hệ thống dự phòng tích hợp nhằm bảo vệ chúng khỏi những sự cố không lường trước.

Các hệ thống FDHS sẽ hòa trộn 380 lít hóa chất độc hại với hàng ngàn lít nước biển và một chất hóa học trung hòa khác (chất phản ứng). Trong vài trường hợp, một hỗn hợp chất phản ứng, dựa vào các hợp chất như kali hay natri hyđroxit, được sử dụng để trung hòa hóa chất độc hại, theo Dennis Reutter, một nhà khoa học của quân đội Mỹ đã về hưu. Chẳng hạn như, đối với chất mù tạt không hòa tan trong nước, người ta thường sử dụng chất tạo dung môi hòa tan monomethylamine trong quá trình thủy phân.

Hé lộ cách Mỹ tiêu hủy vũ khí hóa học chết người

Khâu xử lý an toàn cuối cùng

Hỗn hợp giữa các hóa chất axit và các chất phản ứng bazơ sau đó sẽ được trộn đảo mạnh mẽ, khiến các hóa chất chết người trở nên ít độc hại hơn. Các hóa chất an toàn hơn thu được, gọi là nước thải, sau đó có thể được tiêu hủy theo nhiều cách, thông qua quá trình hỏa thiêu hoặc các quy trình xử lý rác thải khác.

Cụ thể là, trong quá trình hỏa thiêu, các hóa chất không gây tử vong cùng thùng chứa đựng chúng sẽ được đốt cháy bên trong một lò thiêu thương mại. Các vũ khí từng chứa hóa chất, chẳng hạn như vỏ tên lửa rỗng, cũng có thể được tiêu hủy theo cách này. Khói sản sinh ra từ quá trình hỏa thiêu thường sẽ phải đi qua hàng loạt thiết bị lọc và cô đặc để vô hiệu hóa tính độc hại của nó.

Ở Mỹ và các nước khác, nhà chức trách thường dùng biện pháp hỏa thiêu để tiêu hủy hóa chất thải loại, nên ông de Bretton-Gordon cho rằng, nước thải do tàu Cape Ray sản sinh ra cũng sẽ được loại bỏ theo cách này.

Tổng cộng, tàu Cape Ray sẽ xử lý gần 772 tấn hóa chất độc hại, nguy hiểm của chính phủ Syria. Gần 1,5 triệu lít nước thải thu được sau đó sẽ được lưu trữ trên tàu cho tới khi chúng được vận chuyển tới một quốc gia nào đó để tiêu hủy vĩnh viễn. Theo thông báo của OPCW, Đức sẽ tiếp nhận tất cả nước thải thu được từ quá trình trung hòa khí mù tạt của Syria. Phần Lan cũng nhận gần 4.500 lít nước thải của tàu Cape Ray.

Theo Vietnamnet, Livescience
  • 1.296