Hệ sinh thái vườn quốc gia Ba Bể bị đe dọa

  •  
  • 1.461

Voọc mũi hếch, một trong các loài động vật quý hiếm có ở vườn quốc gia Ba Bể. Ảnh: thiennhien.org

Trong 5 năm gần đây, Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) ngày càng chịu nhiều tác động của con người, khiến cho hệ sinh thái vườn có nguy cơ bị phá vỡ và nhiều lâm thổ sản quý bị đe dọa.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là dân số vùng lòng hồ gia tăng, sức đánh bắt cá hồ và tìm kiếm lâm thổ sản trong rừng ngày một lớn hơn và đặc biệt là lượng khách du lịch tới vườn mỗi năm tăng nhanh.

Trong Vườn quốc gia hiện có hơn 450 hộ gia đình với hơn 2.800 nhân khẩu sinh sống. Ngoài các hoạt động phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày, các cư dân ở đây còn sử dụng gần 100 thuyền máy liên tục chở khách du lịch, tác động không nhỏ tới điều kiện sinh thái tự nhiên của vườn.

Từ năm 2002, tỉnh Bắc Kạn đã đầu tư hơn 46 tỷ đồng xây khu tái định cư gắn với phát triển du lịch sinh thái và tạo các điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển tới nơi ở mới. Tuy nhiên, công tác di dân vẫn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do người dân muốn ở trong vùng "lõi" vườn để "tận thu" những nguồn lâm thổ sản quý của thiên nhiên.

Vườn quốc gia Ba Bể, nằm cách thị xã Bắc Kạn khoảng 40 km, có diện tích hơn 10.000 ha. Vườn có tới 1.280 loài thực vật thuộc gần 140 họ, trong đó có 25 loài thực vật có tên trong Sách Đỏ của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) và nhiều loài thực vật quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam.

Hệ động vật ở đây cũng rất phong phú và đa dạng về số lượng và chủng loại với hơn 600 loài thuộc 27 bộ, trong đó có 66 loài động vật quý hiếm và đặc hữu, nhiều loại nằm trong Sách Đỏ Thế giới và Việt Nam như phượng hoàng đất, gà lôi, voọc mũi hếch.

Cuối năm 2004, Vườn quốc gia Ba Bể cùng với ba vườn quốc gia khác của Việt Nam là Hoàng Liên ở Lào Cai, Chư Mom Ray ở Kon Tum và Kon Ka Kinh ở Gia Lai đã được công nhận là Vườn Di sản ASEAN.

Theo Tuổi Trẻ/TTXVN
  • 1.461