Hiệu quả “kép” từ việc ứng dụng công nghệ sinh thái trên đồng ruộng

  •   22
  • 5.463

Từ vụ đông xuân 2012 - 2013, được sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI), Trung tâm Bảo vệ Thực vật phía Nam và Trường Đại học Tiền Giang, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Cai Lậy đã triển khai mô hình “Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu và bệnh virus trên cây lúa” cho hội viên phụ nữ là nông dân tại các xã phía Bắc Quốc lộ 1A. Qua thực hiện mô hình đã mang lại hiệu quả “kép”: Vừa giảm chi phí phân thuốc vừa bảo vệ môi trường, mô hình đã thật sự hấp dẫn hội viên.

Vụ đông xuân 2012 - 2013, mô hình “Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu và bệnh virus trên cây lúa” được triển khai tại 13 xã phía Bắc Quốc lộ 1A, gần 400 hội viên phụ nữ là nông dân đã tham gia trên diện tích 120 ha.

Hiệu quả “kép” từ việc ứng dụng công nghệ sinh thái trên đồng ruộng
Tham quan mô hình của hội viên phụ nữ xã Tân Bình trong vụ đông xuân 2012 - 2013

Tại mỗi xã, Hội LHPN huyện chọn ấp điểm thực hiện với diện tích ruộng liền kề của hội viên. Trước khi gieo sạ, hội viên được tập huấn kỹ về biện pháp thực hiện và được hỗ trợ hạt giống một số hoa màu trồng trên bờ ruộng cùng chi phí chăm sóc.

Nhìn chung, mô hình vẫn áp dụng những kỹ thuật canh tác tiên tiến mà chị em gắn bó với nghề nông đã làm quen trước đó như xuống giống lúa đồng loạt để “né” rầy, chương trình IPM, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” nhưng có thêm điểm mới là kết hợp trồng các loại hoa màu sắc sặc sỡ trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch ăn các loại côn trùng có hại như: rầy nâu, sâu cuốn lá, nhện gié...

Theo nhận xét của chị em tham gia, mô hình mang lại hiệu quả rất tốt khi tạo cân bằng sinh thái trên đồng ruộng, tiết kiệm chi phí thuốc trừ sâu rầy mà năng suất lúa vẫn bảo đảm. Từ kết quả đạt được, ở vụ hè thu sớm, Hội LHPN huyện Cai Lậy tiếp tục xin kinh phí hỗ trợ để thực hiện mô hình tại 3 xã: Mỹ Phước Tây, Tân Bình và Bình Phú trên diện tích 30 ha của 87 hội viên.

Có 5 công ruộng tiếp tục ứng dụng mô hình “Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu và bệnh virus trên cây lúa”, trước khi gieo sạ, bà Phan Thị Học (ấp 5, xã Tân Bình) đã trồng hoa sao nhái, xuyến chi, đậu bắp, đậu xanh trên bờ ruộng với khoảng cách nhất định để dẫn dụ thiên địch. Bà nhận xét trong vụ đông xuân vừa qua, với bờ ruộng phủ kín các loại hoa có màu sắc sặc sỡ, sâu rầy trên đồng ruộng giảm đáng kể. Tính trên mỗi công ruộng, bà tiết kiệm khoảng 100 ngàn đồng tiền thuốc bảo vệ thực vật và công phun thuốc nhưng năng suất lúa vẫn đạt so với cách canh tác bình thường.

Hiệu quả “kép” từ việc ứng dụng công nghệ sinh thái trên đồng ruộng
Bà Huỳnh Thị Bảy - hội viên phụ nữ ấp 5, xã Tân Bình thăm ruộng lúa áp dụng mô hình

Bà Huỳnh Thị Bảy - hội viên phụ nữ ở ấp 5, xã Tân Bình đánh giá: “Kinh nghiệm từ vụ đông xuân cho thấy, tuy không phun thuốc trừ sâu rầy nhưng ruộng lúa vẫn không xảy ra dịch bệnh nên tôi tiếp tục áp dụng trên 2,5 công ruộng của gia đình trong vụ hè thu sớm 2013. Mô hình này còn giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe nông dân và còn có thêm thu nhập từ một số cây họ đậu”.

Với 60% hội viên phụ nữ đang gắn bó với nghề trồng lúa, mô hình “Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu và bệnh virus trên cây lúa” giúp chị em phụ nữ huyện Cai Lậy làm quen với kỹ thuật sản xuất tiên tiến và thân thiện với môi trường trong canh tác lúa ở gia đình. Trước tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan như hiện nay thì qua việc ứng dụng mô hình chị em còn góp phần bảo vệ môi trường nông thôn và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Theo donghanhcungphattrien
  • 22
  • 5.463