Hợp tác giúp con người thoát hiểm

  •  
  • 169

Quan điểm mới cho rằng con người thời kì đầu là giống loài bị săn đuổi (Ảnh: BBC)
Các nhà nhân học đã đặt giả thuyết mới rằng thế hệ người đầu tiên đã học cách sống theo nhóm và hợp tác để khỏi bị các loài thú vồ mồi ăn thịt.

Trước đây, khoa học tin rằng con người của nhiều triệu năm trước đã sống chung với nhau để có thể săn thú hiệu quả hơn. Nhưng nay một lý thuyết mới cho rằng sở dĩ con người sống chung với nhau là để tránh bị ăn thịt.

Giáo sư Robert Sussman, một nhà nhân học ở Đại học Washington ở St. Louis, Missouri, nói tại một hội nghị rằng việc tránh để bị giết chính là yếu tố quan trọng nhất trong việc con người học cách hợp tác với nhau.

Theo ông, dấu tích chứng tỏ rằng con người thời ấy có bộ răng không đủ để ăn thịt, và nếu đã không thể ăn thịt, thì tại sao họ lại chủ động đi săn làm gì.

"Quan điểm phổ thông cho rằng con người thời ấy là người đi săn, nhưng thật ra họ là giống bị săn đuổi. Sự thông minh, hợp tác và các tính chất khác của con người phát triển từ những nỗ lực vượt thoát khỏi các giống thú vồ mồi."

James Rilling, ở Đại học Emory ở Atlanta, đã sử dụng kỹ thuật chiếu hình vào não để xem xét cơ chế sinh học đằng sau sự hợp tác.

Ông quan sát não bộ của những người chơi trò chơi theo điều kiện thí nghiệm mà trong đó có việc lựa chọn giữa hợp tác và không hợp tác.

Ông thấy việc hợp tác đem lại lợi ích, và con người phản ứng tiêu cực khi đối tác không chịu hợp tác.

Ngược lại, loài gần nhất với chúng ta, tinh tinh, lại không đến giúp các con khác, ngay cả khi việc giúp đỡ không khiến chúng chịu thiệt hại gì.

Theo BBC
  • 169