Hội chứng "sợ xấu" có thể hủy hoại cả một đời người

  •  
  • 5.520

Ngoài việc luôn sợ những khiếm khuyết của bản thân, hội chứng "sợ xấu" còn để lại những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thậm chí có thể giết chết một người.

Hội chứng "mặc cảm ngoại hình" có thể giết chết một người

Tất cả chúng ta ai cũng có những điểm không hài lòng về ngoại hình. Nhưng có sao đâu bởi sự thật không có ai hoàn hảo cả và chúng ta vẫn sống tốt đấy thôi.

Nhưng đó sẽ là một câu chuyện khác hẳn nếu bạn mắc phải hội chứng "Mặc cảm ngoại hình" - hay hội chứng "sợ xấu".

Hội chứng "sợ xấu" là gì?

Mặc cảm ngoại hình (tiếng Anh: Body dysmorphic disorder – BDD) là một trạng thái bệnh lý, trong đó người bệnh luôn trong cảm giác lo âu, thậm chí là sợ hãi với bất kỳ khiếm khuyết nhỏ như sẹo, dị tật nhỏ... trên cơ thể mình.

Nhưng không chỉ vậy, người mắc BDD còn có "biệt tài" tìm ra khiếm khuyết của bản thân, ngay cả khi nó không tồn tại.

Hội chứng "sợ xấu" có thể hủy hoại cả một đời người
Người mắc hội chứng bệnh BDD luôn cảm thấy cơ thể mình có vấn đề.

Nguyên nhân chính xác của bệnh hiện vẫn chưa rõ. Một số chuyên gia nhận định rằng, người bệnh đã gặp rối loạn chất dẫn truyền thần kinh nào đó trong não. Một số khác thì tin, bệnh này xuất phát từ tâm lý do các yếu tố như tuổi thơ, gia đình, công việc...

Đây là một chứng bệnh khá hiếm gặp. Dù chưa có thống kê toàn cầu nhưng riêng tại Mỹ có khoảng 1% - 2% dân số mắc chứng bệnh BDD, tại Anh - con số này cũng là 1%.

Sự thực về BDD khủng khiếp hơn bạn tưởng

Hãy thử tưởng tượng mỗi ngày thức dậy và soi gương, bạn tự cảm thấy bản thân "xấu đau xấu đớn" so với thực tế. Nghe có vẻ vô hại, nhưng qua thời gian cái "sự xấu" này sẽ khiến bạn hoảng loạn thực sự.

Hội chứng "sợ xấu" có thể hủy hoại cả một đời người
Không dám nhìn vào gương là một trong những triệu chứng thường gặp của bệnh BDD.

Đối với những trường hợp nhẹ, người bệnh có thể chỉ... tốn thời gian soi gương để tìm khiếm khuyết, hoặc né tránh hoàn toàn các bề mặt phản chiếu như nước, kính...

Tuy nhiên về lâu dài, chứng sợ xấu khiến những người này mất dần tự tin, ngại giao tiếp, hoặc tự cách ly bản thân với xã hội.

Hội chứng "sợ xấu" có thể hủy hoại cả một đời người
Người sợ xấu có thể tự cào cấu, lột da nhằm cải thiện tình trạng của mình trong vô vọng. (Ảnh minh họa).

Trong các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, người bệnh tự cào cấu, tự lột da bản thân để cố gắng cải thiện độ "xấu" đến tuyệt vọng của mình. Có người thì liên tục phẫu thuật thẩm mỹ để cải thiện nhan sắc bản thân. Thậm chí đã có trường hợp trầm cảm nặng dẫn đến tự tử.

Hội chứng "sợ xấu" có thể hủy hoại cả một đời người
Tác phẩm nghệ thuật lột tả sự đáng sợ của BDD. Người thực hiện là nghệ sĩ Liz Atkin - người mắc phải chứng mặc cảm ngoại hình từ năm 8 tuổi.

Có thể nói, hội chứng "sợ xấu" hoàn toàn có thể hủy hoại cuộc sống của một người nhưng tiếc thay công chúng chưa có nhận thức đúng đắn về căn bệnh này.

Nhiều người còn cho rằng, những người tự tử vì "xấu" thật nông cạn mà không hiểu rằng đây là một hội chứng vô cùng nguy hiểm.

Dấu hiệu giúp bạn kiểm tra xem mình có bị mắc hội chứng "sợ xấu" đáng sợ này không

Những người mắc hội chứng sợ xấu có khá nhiều biểu hiện khác nhau tùy theo mức độ mắc bệnh như thường xuyên nhìn vào gương để kiểm tra nhan sắc của bản thân, đến việc né tránh hoàn toàn các bề mặt phản chiếu.

Hội chứng "sợ xấu" có thể hủy hoại cả một đời người

Nhưng về cơ bản, hãy nghiêm túc đánh giá xem bản thân mình có hội chứng này hay không qua các biểu hiện dưới đây.

  • Luôn ám ảnh vì "sự xấu" mỗi ngày.
  • Soi gương thường xuyên để kiểm tra khiếm khuyết, hoặc rất ghét soi gương, không muốn nhìn vào gương.
  • Luôn né tránh xuất hiện trước đám đông, thậm chí không muốn ra khỏi nhà.
  • Thường xuyên lo âu, từng nghĩ đến việc muốn chết.
  • Thường xuyên so sánh ngoại hình với người khác.
  • "Điệu" quá mức hoặc trang điểm dày để che đi phần khiếm khuyết.
  • Thường xuyên hỏi người khác đánh giá như thế nào về khiếm khuyết của bản thân để lấy lại niềm tin, nhưng lại không tin những đánh giá ấy.
  • Muốn phẫu thuật thẩm mỹ bất cứ khi nào có thể.

Giải quyết thế nào với chứng bệnh đáng sợ này?

Nếu không may mắc phải chứng bệnh này, không cách nào khác là bạn phải tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ.

Các chuyên gia sẽ sử dụng một số biện pháp như liệu pháp nhận thức hành vi - giúp bệnh nhân giảm đi những suy nghĩ tiêu cực, hoặc áp dụng thuốc chống trầm cảm để cải thiện tình trạng của bạn.

Theo Trí Thức Trẻ
  • 5.520