Hút thuốc thụ động có nguy cơ mắc bệnh lao ở trẻ em

  •  
  • 381

Kết quả của một cuộc nghiên cứu được thực hiện tại Nam Phi cho thấy có mối liên quan giữa hút thuốc thụ động và nguy cơ nhiễm vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis tăng cao ở các trẻ sống chung trong một gia đình với bệnh nhân lao.

Bác sĩ Saskia den Boon thuộc Tổ chức bệnh Lao KNCV ở The Hague, Hà Lan viết trong tạp chí Pediatrics số tháng 4 như sau: “Bệnh lao và hút thuốc đều là những vấn đề y tế quan trọng. Mối liên quan có thể có giữa hút thuốc thụ động và nhiễm lao ở trẻ em là một vấn đề đáng quan tâm trong bối cảnh hút thuốc và bệnh lao ngày càng phổ biến ở các nước đang phát triển.”

Nhóm của ông đã tiến hành một cuộc khảo sát trong cộng đồng bao gồm 15% các hộ gia đình ở hai khu ngoại ô gần nhau có mức thu nhập từ thấp đến trung bình ở Cape Town. Tất cả các trẻ đều dười 15 tuổi và các thành viên trong hộ gia đình đều tham gia vào cuộc nghiên cứu.

Vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis
(Ảnh: Forumlabo.com)

Tất cả các trẻ đều được cho thử phản ứng turbeculin và nếu phản ứng này cho kết quả ít nhất là 10 mm thì xem như trẻ bị nhiễm vi khuẩn lao M. tuberculosis. Nhóm nghiên cứu cũng định nghĩa hút thuốc thụ động là sống trong cùng một gia đình với ít nhất một người lớn đã hút thuốc ít nhất được một năm.

Tổng cộng có 1.344 trẻ tham gia vào cuộc phân tích. Trong số này có 432 trẻ (32%) có kết quả thử test phản ứng turbeculin dương tính và 1.170 trẻ (87%) được xếp vào nhóm trẻ hút thuốc thụ động.

Ở nhóm trẻ sống chung trong gia đình có một người hút thuốc thì kết quả thử phản ứng tuberculin dương tính là 34% trong khi ở nhóm trẻ không hút thuốc thụ động thì tỉ lệ này là 21%. Xét về mặt thống kê thì sự khác nhau này không đáng kể.

Tuy nhiên có mối liên quan đáng kể giữa hút thuốc thụ động và kết quả thử phản ứng tuberculin dương tính ở 172 hộ gia đình có bệnh nhân lao. Trẻ sống trong các gia đình này có khả năng có kết quả thử test dương tính cao gần gấp 5 lần.

Bác sĩ Saskia den Boon và các đồng nghiệp cho biết:Hút thuốc thụ động có thể tác động đến hễ miễn dịch của trẻ và làm tăng nguy cơ nhiễm lao. Tiếp xúc với khói thuốc lá còn làm thay đổi chức năng tế bào như làm giảm tỉ lệ thanh thải các chất hít vào và độ thấm bất thường của tế bào và mạch máu".

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng “ở nhiều nước đang phát triển nơi có gánh nặng về bệnh lao, ngày càng có nhiều người hút thuốc, đặc biệt là phụ nữ.” Tỉ lệ phụ nữ hút thuốc là vấn đề đáng quan tâm “vì họ sẽ làm cho con mình tiếp xúc với khói thuốc lá.”

Hồng Lĩnh 

Theo Reuters, Sở KH & CN Đồng Nai
  • 381