Kết quả nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học

  •  
  • 1.886

Xây dựng ngân hàng gen hơn 100 chủng vi sinh vật tối nguy hiểm; xác định dịch hạch, tả, thương hàn; giám định hài cốt liệt sĩ; điều trị vô sinh nam giới.

Đó là kết quả mà Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng, báo cáo đã thực hiện thành công trong chương trình sơ kết 3 năm triển khai chương trình "Công nghệ sinh học giai đoạn 2005-2008" tại Hà Nội vào ngày 6/8 vừa qua.

Chương trình nhằm tiếp nhận và làm chủ được các công nghệ sinh học chủ yếu, triển khai ứng dụng mạnh mẽ hiệu quả công nghệ tạo ra những sản phẩm sinh học có chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường.

Qua đó hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghiệp sinh học vừa và nhỏ, kinh doanh các sản phẩm công nghệ sinh học phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Các sản phẩm sinh khối tế bào thực vật, Kit chẩn đoán rắn độc cắn, lao kháng thuốc, viêm gan B thay thế hàng nhập ngoại, giá cả hợp lý. 

Sản phẩm của Học viện Quân y... (Ảnh: M.H)

Tuy mục tiêu chính là phục vụ an ninh quốc phòng nhưng chương trình cũng đã tạo ra nhiều sản phẩm sinh học lưỡng dụng phục vụ thiết thực cho cộng đồng có giá trị cao, giúp chẩn đoán sự có mặt của virut HPV trong cổ tử cung, chẩn đoán sớm và sàng lọc ung thư (ung thư đường tiêu hóa, ung thư phổi), nuôi cấy và biệt hóa tế bào gốc từ màng ối và dây rốn nhằm thay thế các bộ phận khi bị bệnh, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây thuốc quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng (sâm Ngọc Linh, nấm Hầu Thủ, thông đỏ...), chẩn đoán bệnh di truyền ở thai nhi từ 7 tuần tuổi bằng kỹ thuật QF-PCR, phân tích AND phân tích phôi thai lưu hành máu ngoại vi mẹ tìm ra 6 nhóm hội chứng bệnh nhiễm sắc thể trước và sau sinh.

Khoảng 30 sản phẩm được ứng dụng, trong đó 8 sản phẩm dưới dạng thuốc và sản phẩm chức năng, 1 sản phẩm đang làm thủ tục xuất khẩu như trà Tanaka, trà Emorning chống lão hoá, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, Cao ích trí kiện não CM8, Kem Herbavera trị vết thương, vết bỏng.

Chương trình đã được cấp 9 bằng độc quyền, trong đó “Phương pháp sản xuất thụ tinh khối tế bào rễ sâm Ngọc Linh” được cấp bằng độc quyền sáng chế vào tháng 2/2009.

Hiện nay, Học viện Quân y tiếp tục tiến hành hợp tác nghiên cứu với các trường đại học của Nhật Bản, Đức, Singapore, Hàn Quốc, Nga.... về công nghệ sinh học, công nghệ gen. Nhiều đề tài của Học viện Quân y đang được triển khai theo Nghị định thư với các trường đại học nổi tiếng của các nước (Nhật: nghiên cứu cơ chế phân tử của bệnh Alzermer và Pakinson 2008-2010).

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ sinh học, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Thắng cho rằng, đây là một trong 4 lĩnh vực cần được ưu tiên đặc biệt, hỗ trợ cho phát triển an ninh quốc phòng, cần đi sâu vào công nghệ gen trong lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu tế bào gốc chữa trị bệnh hiểm nghèo. Hơn nữa, cần thiết lập trung tâm huyết học và truyền máu quân đội để nghiên cứu về máu và các sản phẩm thay thế máu giải quyết vấn đề thiếu máu trầm trọng hiện nay.

Trong giai đoạn tiếp theo, Học viện Quân y tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu các chất độc tự nhiên, hoàn thiện quy trình kháng huyết thanh nọc rắn, nghiên cứu thuốc điều trị ung thư; HIV/AISD, nuôi cấy tế bào gốc sinh tinh thành tinh trùng điều trị vô sinh nam giới, trong điều trị vết thương, bỏng.

Theo Mai Hà - Vietnamnet
  • 1.886