Khả năng sinh tồn độc đáo trong giới tự nhiên

  •   52
  • 3.198

Sinh sống trong những hoàn cảnh khắc nghiệt, lại phải tìm mọi cách duy trì nòi giống, nhiều loài động vật đã tìm ra những cách sinh tồn độc đáo và đôi khi tàn nhẫn.

Cây long huyết: Tận dụng đến tối đa

 

Cây long huyết. Ảnh: Internet

Những cây long huyết ở Socotra, Yemen được coi là một trong những loài cây có sức sống quật cường nhất. Ngoại trừ sương mù trên đỉnh núi và những cơn mưa phùn thi thoảng thổi qua vào mùa mưa, có thể nói quần đảo Spcotra quanh năm khô cạn. Tuy nhiên, loài long huyết vẫn có cách sống sót trong hoàn cảnh khí hậu khắc nghiệt này.

Để sinh tồn, loài long huyết này đã lợi dụng một cách tối đa nguồn nước thiếu thốn trên đảo. Hình dáng của cây long huyết ở đây giống như một chiếc phễu khổng lồ, hay một chiếc ô đang được xòe rộng tứ phía để tìm kiếm từng giọt nước.

Những chiếc lá cây nhiều gai có hình dạng như những đường rãnh, tạo điều kiện tối đa để nước mưa có thể dễ dàng theo các cành và thân cây để xuống đến rễ.

Ngoài ra, lá của cây long huyết còn giống như một ngọn nến, có khả năng giảm thiểu đến tối đa lượng nước bốc hơi và khiến cho lượng nước mưa chúng nhận được nhanh chóng đưa xuống phần rễ.

Chuột chù voi: Nhớ đường và tốc độ 

 

Chuột chù voi chạy với tốc độ cực nhanh trên con đường mà chúng quen thuộc và ghi nhớ rất kỹ. Ảnh: Internet


Chuột chù voi (elephant shrew) có thân hình rất nhỏ, lại liên tục phải hoạt động khiến chúng luôn cảm thấy đói. Tuy nhiên, trong rừng sâu, khắp nơi là kẻ thù đang rình rập, hoạt động ở bên ngoài hang là trùng trùng nguy hiểm. Vì thế, loài chuột này đã áp dụng một cách săn mồi cực kỳ cao minh.

Chuột chù voi lựa chọn một con đường sạch sẽ nối giữa hai địa điểm nhiều con mồi mà chúng thường xuyên lui tới, đồng thời ghi nhớ đến từng chi tiết trên con đường này. Sau đó, chúng sẽ dùng tất cả sức lực để chạy qua con đường này với tốc độc cao nhất. Chỉ khi nào nhìn thấy một con côn trùng ngon lành hoặc có những mảnh xương cần phải “thanh lý” chúng mới dừng lại.

Với tốc độ khủng khiếp ấy, một cành cây nhỏ đôi khi cũng là nguyên nhân gây ra những cái chết thảm cho loài chuột chù voi. Vì vậy, hơn 40% thời gian chúng dùng để dọn dẹp các loại chướng ngại vật xuất hiện trên con đường chúng đã lựa chọn.

Rồng Komodo: Ăn uống "tiết kiệm"

 

Mỗi năm rồng Komodo chỉ ăn vài bữa. Ảnh: Internet

Chỉ phân bố tại 5 hòn đảo khô hạn thuộc Indonesia, rồng Komodo là một trong những loài động vật vô cùng kén ăn. Để tìm được một miếng thịt tươi ngon, rồng Komodo sẵn sàng nhẫn nại bỏ công sức để thăm dò địa hình.

Vì là một loài bò sát máu lạnh, để có thể sinh tồn được trên những hòn đảo vốn không thích nghi với việc cư trú, mỗi năm rồng Komodo chỉ ăn khoảng 12 bữa. Với thân hình dài đến 2,13m, nặng 77kg, rồng Komodo nổi tiếng trong việc sử dụng phương pháp săn bắt con mồi thông qua sự quan sát và chờ đợi. Có lúc, suốt nhiều ngày liền rồng Komodo ẩn mình trong rừng, không động đậy đợi con mồi đi qua.

Nhưng khi con mồi đã lọt vào tầm ngắm, rồng Komodo sẽ toàn lực lao đến. Theo ước tính, tốc độ của chúng lúc này có thể đạt đến 18km/h. Lúc này, những con mồi chỉ còn biết ngoan ngoãn trở thành bữa ăn ngon lành của chúng.

Chim hồng hạc: Chiếc "máy lọc" hiệu quả

Chim hồng hạc. Ảnh: Internet

Đối với những con chim hồng hạc sinh sống ở thung lũng Great Rift, Đông Phi thì những ao hồ ở khu vực này quả thực là một thiên đường. Với những loài động vật khác, đây có thể là một cái "lò luyện" nguy hiểm được tạo thành từ những khoáng chất tính kiềm. Tuy nhiên, với loài hồng hạc, đây lại là một "bữa tiệc" tảo xoắn thanh đạm và ngon lành.

Để có thể ăn được tảo xoắn, chim hồng hạc phải lọc nước sông. Lúc này, chiếc mỏ tiến hóa cao độ của chim hồng hạc phát huy được tác dụng tối đa. Đầu tiên, chúng dùng chân khuấy đục vùng nước dưới chân, sau đó đầu của chúng sẽ không ngừng lắc qua lại trong nước.

Theo ước tính của các nhà khoa học, mỗi ngày mỗi con chim hồng hạc lọc được 16,56 lít nước. Và kết quả chúng thu được mỗi ngày là khoảng 56,7 gam tảo xoắn giàu dinh dưỡng.

Sao biển Nam Cực: Ăn tất cả những gì có thể

Sao biển Nam Cực. Ảnh: Internet

Dưới đáy sâu của vùng biển Ross, Nam Cực giống như một bầu trời đầy sao. Ở đó, sao biển là loài thống trị toàn bộ hệ sinh thái và chúng đã chứng minh sức sinh tồn mạnh mẽ của những loài nhỏ bé.

Mỗi năm, biển Ross bị đóng băng trong suốt nhiều tháng. Trong điều kiện sống ác liệt như vậy, sao biển Nam Cực không thể “giàu có” để “kén cá chọn canh” như loài rồng Komodo. Ngược lại, để sinh tồn, chúng nuốt tất cả những gì chúng nhìn thấy. Bất kể là hải cẩu, chất thải của hải cẩu, bọt biển hay thậm chí là cả những con sao biển khác.

Một ngày đã kiếm ăn đủ thì nhiệm vụ khẩn cấp thứ hai của sao biển Nam Cực chính là duy trì nòi giống. Vào cuối mùa đông, đại bộ phận các loài vật dưới biển đã không còn hoạt động nhiều nữa. Vào thời điểm này, sao biển Nam Cực mới bắt đầu bước vào thời kỳ sinh sản. Khi mùa đông sắp qua, các sao biển nhỏ sẽ ăn những vi khuẩn hoạt động. Đến mùa hè, chúng mới chuyển hướng sang các loại tảo.

Ong rừng Dawson: "Hỗn chiến vì tình"

Loài ong Dawson sẵn sàng chết để giành giật bạn tình. Ảnh: Internet

Khi sinh sống ở vùng đất khô cằn phía Tây Australia, việc giao phối cũng giống như môi trường nơi đây, khiến các loài động vật cảm thấy vô cùng cực nhọc. Tại những khu vực nham thạch khô khan này, những con ong Dawson đã trải qua những cuộc “ái ân” tàn khốc. Kết quả là, rất nhiều con ong đực đã phải chết để giành giật những cuộc giao hoan “anh chết tôi sống” này.

Loài ong Dawson thường cư trú tại những vùng đất khô cằn. Mỗi năm, con cái dùng chiếc càng cứng của chúng để đào những hang động dưới lớp đất cứng như nham thạch và ấp trứng trong đó. Để giành được “đặc ân” giao phối với con cái, những con đực phải chầu chực ở cửa hang. Và khi có quá nhiều con đực xuất hiện thì lập tức một trận hỗn chiến một mất một còn diễn ra.

Đôi khi, những con cái cũng có thể bị giết chết trong những cuộc hỗn chiến như vậy. Điều đáng nói là, loài ong Dawson không hề cảm thấy mảy may áy náy vì việc tàn sát đồng loại này dù trước đó chúng có sống hòa thuận với nhau đến mấy đi nữa.

Theo VietNamNet
  • 52
  • 3.198