Khám phá bí ẩn về chiếc bướu của loài lạc đà

  •   1,52
  • 1.599

Lạc đà có thể sống tốt hàng tuần liền, trên sa mạc, mà không hề uống một giọt nước nào cả. Khả năng chịu khát tuyệt vời của loài động vật này, vẫn được nhiều người cho là do chúng sở hữu một chiếc bướu dự trữ nước. Tuy nhiên, liệu sự thật có đúng như vậy?

Lạc đà là một trong những loài động vật được biết đến nhiều nhất của sa mạc. Lạc đà sở hữu khả năng thích nghi tối đa với điều kiện khô hạn khắc nghiệt của môi trường này, đặc biệt là chúng có thể sống tốt hàng tuần liền mà không cần uống nước. Do đó, loài động vật này, từ xa xưa, đã được các đoàn thương buôn trên “Con đường tơ lụa” sử dụng như phương tiện vận chuyển hàng đầu.

Lạc đà có thể sống tốt hàng tuần liền mà không cần uống nước.
Lạc đà có thể sống tốt hàng tuần liền mà không cần uống nước.

Trên thực tế, theo các nhà khoa học, bên trong chiếc bướu của lạc đà chứa đầy mỡ, chứ không phải nước như nhiều người vẫn nghĩ. Các mô này chính là nguồn năng lượng dự trữ của lạc đà, trong điều kiện khan hiếm thức ăn của môi trường sa mạc. Phương thức hoạt động của chiếc bướu có thể được hiểu như sau: khi lạc đà không tìm thấy nguồn thức ăn trong nhiều ngày trời, các mô mỡ trong bướu sẽ bắt đầu được chuyển hóa thành chất dinh dưỡng, phục vụ cho hoạt động sống của chúng. Việc sử dụng nguồn mỡ dự trữ này cũng sẽ khiến bướu của Lạc đà bị teo lại và xẹp xuống. Tuy nhiên, cơ quan này sẽ lại nhanh chóng được bơm đầy khi con vật tìm thấy thức ăn.

Bên trong chiếc bướu của lạc đà chứa đầy mỡ, chứ không phải nước.
Bên trong chiếc bướu của lạc đà chứa đầy mỡ, chứ không phải nước.

Bên cạnh chức năng tích trữ năng lượng, chiếc bướu của lạc đà còn giúp chúng điều hòa thân nhiệt, khả năng vốn rất cần thiết trong điều kiện sa mạc. Cụ thể, các mô mỡ sẽ giúp hấp thụ lượng nhiệt từ các cơ quan khác, để nhiệt độ của toàn cơ thể không bị tăng quá cao, dưới ánh nắng gay gắt của ban ngày. Ngược lại, khi đêm về, cũng là lúc nhiệt độ môi trường giảm sâu, nhiệt lượng tích tụ trên cơ quan này sẽ lại tỏa ra, sưởi ấm cơ thể Lạc đà.

Có lẽ bạn vẫn đang thắc mắc rằng “Nếu phần bướu không hề chứa nước thì khả năng chịu khát của Lạc đà đến từ đâu?”. Câu trả lời nằm ở cấu trúc tế bào máu đặc biệt của loài động vật này. Theo đó, thay vì có hình dĩa, hồng cầu của lạc đà lại ở dạng trái xoan. Hình dáng này làm tăng khả năng co dãn của tế bào hồng cầu. Do đó, chúng có thể hấp thụ nhiều nước hơn so với tế bào thông thường. Chính vì vậy, khi tìm thấy nguồn nước, một con lạc đà có thể uống một lúc hơn 113 lít nước. Lượng nước khổng lồ này sẽ tích trữ ở tế bào hồng cầu và được sử dụng dần trong những ngày chịu khát sau này.


Lạc đà dự trữ nước ở đâu?

Cập nhật: 13/03/2018 Theo Dân Trí
  • 1,52
  • 1.599