Tai họa lớn ở Bắc Kinh thời Nhà Minh

  •   3,58
  • 12.693

Ngày 20 tháng 5 năm 1625 (mùng 6 tháng 5 năm Hy Tông Thiên Khởi thứ 6), tại cố đô Bắc Kinh triều Minh, vương cung xưởng thành Tây Nam (nay là cửa Tuyên Vũ), cả một vùng đã xảy ra tai biến với sự phá hoại nặng nề, đến nay người nghe chuyện còn cảm thấy kinh hãi, và thật khó hiểu.

Buổi sáng hôm ấy, trời đang trong trẻo, bỗng có tiếng vang lên như tiếng thét. Từ hướng Đông Bắc chuyển dần tới phía Tây Nam kinh thành, trời long đất lở, tối đen như mực, muôn nhà đổ sụp. Rối như tơ vò, tựa như ngũ sắc, làn hơi khói tựa hình nấm linh chi bốc tận trời cao, mãi lâu mới tan. Phía Đông đến dãy phố lớn cửa Thuận Thành, phía Bắc đến phố Hình Bộ, dài đến ba bốn dặm, chu vi 13 dặm, hàng vạn nhà cửa, hơn hai vạn người đều biến thành tro bụi, gạch đá, ngói vụn từ trên trời đổ xuống. Những mảnh xác người từ đầu, vai, tai, mũi đến chân tay cũng được ném tới tấp từ trên trời xuống.

Trên phố, các mảnh xác người chồng chất lên nhau, tanh hôi nồng nặc. Người chết thê thảm. Lừa, bò, chó ngựa, lợn gà cũng đều chết sạch. Trong Tử Kim Thành, hơn 2000 thầy thợ đang thi công, từ trên những giàn giáo cao ngất, bị chấn động ngã ào xuống tan xương nát thịt. Cấy cối bị bật lên cả gốc rễ bay tít tận xa. Trên đại lộ Phò Mã, một con sư tử đá nặng tới 2500 kg cũng bị bốc bay ra ngoài cửa Thuận Thành. Chuồng voi của hoàng gia ở phố Tượng Lai sụp đổ hoàn toàn, đàn voi giật mình kinh sợ xông hết ra ngoài chạy tán loạn.

Nhiều nạn nhân chết trong tư thế kỳ quặc, trên phố Thừa Ân Tự, 8 người khênh kiệu chở một cô gái đang đi trên đường thì tai họa ập đến, chiếc kiệu bị đánh vỡ tan nằm giữa đường, cô gái trong kiệu và 8 người khênh kiệu thì biến đâu mất. Tại cổng chợ sau, một vị khách đến từ Thiệu Hưng đang nói chuyện với 6 người, bỗng bay mất đầu, thân thể và chân tay đổ vật ra đất, nhưng 6 người kia thì lại bình an vô sự.

Một điều ai cũng lấy làm quái lạ là người chết, kẻ bị thương hay người bình yên vô sự, thì trong giây phút tai họa ập đến đều bị lột sạch quần áo, mình trần như nhộng. Ở phố Nguyễn Hồng Khuê một chiếc kiệu đang khêng một cô gái đi qua, tai họa ập đến, phần mái nóc kiệu bị phạt bay đi mất, cô gái trong đó bị lột sạch quần áo và mọi đồ trang sức, nhưng người thì hoàn toàn nguyên vẹn. Một người làm thị tòng cho nhà quan nào đó, lúc tai họa ập xuống chỉ thấy loáng một cái, từ quần áo giày mũ cho đến cả bít tất đều bị lột sạch, thật kinh ngạc trước sự kỳ lạ đó. Có một người bị đè gãy đùi, nhìn thấy xung quanh mình, đàn ông đàn bà đều trần như nhộng, không mảnh vải che thân. Có người lấy mảnh ngói che chỗ kín, có người dùng cái bó chân để che đậy, có người vớ được tẩm trải giường, mảnh váy rách để che... Mọi người nhìn nhau dở khóc dở cười, không có cách gì khác. Có một người thiếp yêu của một vị quan nọ bị vùi dưới đống gạch vụn, nghe thấy có người ở phía trên kêu: "Dưới này có ai thì bảo?" bèn kêu lên: "Cứu tôi với". Đến lúc vội vàng bới được cô ta lên, mới biết trên người cô ta không chút vải che thân. Vị văn thư bới cứu cô ta lên vội vàng cởi áo dài bọc kín cô ta lại, rồi để cô ta cưỡi lên con la mã về nhà mẹ.

Quần áo của mọi người bị lột đưa đi đâu vậy? Sau tai họa, có người báo cáo, toàn bộ quần áo đều bay tới Tây Sơn, cách xa mấy chục dặm (1 dặm Trung Quốc ~ 0.5 km - ND), phần lớn đều măc trên ngọn cây. Người phụ trách Bộ Hộ (cơ quan trông coi việc dân chính dưới triều Minh) Trương Phương Khuê cử "Trưởng ban" (tức thi tòng) đến đó kiểm tra, quả nhiên đúng như vậy; tại giáo trường Xương Bình Châu ở Tây Sơn, áo quần chất đống. Đồ trang sức, tiền bạc, bát đĩa... chẳng thiếu thứ gì.

Nhân dịp 360 năm tròn kể từ khi Bắc Kinh bị thảm họa năm 1986, Hội địa chất học Bắc Kinh và hơn 20 tổ chức đoàn thể, tổ chức hội thảo khoa học về nguyên nhân xảy ra tai họa khủng khiếp đó. Các học giả mỗi người một quan điểm không thể thống nhất. Chủ yếu có các quan điểm: Cho rằng do tĩnh điện khí quyển gây nên, hoặc do động đất làm cháy nổ kho thuốc súng gây ra hoặc do tác dụng cưỡng bức nổ của nhiệt hạch Trái đất... Những quan điểm đó cũng mới mẻ và kỳ lạ, nhưng khó mà giải thích được, trong khi tai họa đổ xuống thì nhiệt độ lại thấp và không có lửa. Nhất là hiện tượng lột sạch quần áo rất lạ lùng.

Hoàng đế lúc bấy giờ là Thiên Khởi Chu Do Hiệu cho rằng, tai họa đó là do nguyên nhân ông ta chấp chính không tốt, và hạ "tội kỷ chiếu" để khiển trách bản thân. Nhưng xem xét kỹ lại thì thấy, tai họa khủng khiếp đó chỉ có thể coi là một hiện tượng bí ẩn chưa từng có.

H.T (theo Kính Vạn Lý)
  • 3,58
  • 12.693