Sinh vật biển lạ ở Nam Cực

  •  
  • 5.140

Các nhà khoa học nghiên cứu vùng nước băng giá của Nam Cực cho biết họ vừa phát hiện được những sinh vật bí ẩn nằm sâu dưới mặt băng, bao gồm loài nhện biển khổng lồ và những con sâu to lớn. Họ thu thập mẫu ở độ sâu đến 2500m dưới bề mặt của Nam Dương, đây là một phần của dự án quốc tế nhằm tìm hiểu đời sống của các sinh vật biển ở Nam Cực.

Một số loài sinh vật sống sâu dưới lòng đại dương phát triển ở những kích cỡ to lớn khác thường, các nhà khoa học gọi đó là tính khổng lồ và vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ hiện tượng này. Martin Riddle, nhà khoa học thuộc Bộ phận nghiên cứu Nam Cực của Úc, chỉ huy chuyến thám hiểm, phát biểu: Tính khổng lồ rất phổ biến ở vùng biển Nam Cực. Chúng tôi đã phát hiện được những con sâu kích cỡ lớn, những động vật giáp xác khổng lồ và nhện biển to bằng cái đĩa.”

Có thể là loài mới không?

Những mẫu vật đang được gửi cho nhiều trường đại học và viện bảo tàng trên thế giới để nhận diện, lấy mẫu mô và phân tích DNA.

Graham Hosie, người đứng đầu dự án cho biết: “Không hằn tất cả sinh vật chúng tôi tìm thấy có thể được nhận diện và rất có khả năng chuyến đi này sẽ cung cấp cho chúng ta một số loài mới.”


Hải miên và tảo san hô tạo thành nơi cư trú cho nhiều loài (Ảnh: Dailymail)

Chuyến thám hiểm là một phần của nỗ lực quốc tế nhằm sơ đồ hóa sự sống ở đại dương Nam Cực và nghiên cứu ảnh hưởng của các hiện tượng như thay đổi khí hậu đến môi trường sống dưới đáy đại dương. Ba chiếc thuyền Aurora Australis của Australia, L’Astrolabe của Pháp và Umitaka Maru của Nhật vừa trở về sau khoảng thời gian hai tháng nghiên cứu khu vực thuộc dự án thống kê tình hình sinh vật biển hợp tác vùng biển đông Nam Cực.

Công trình là một phần của dự án lớn hơn nhằm thống kê tình trạng đa dạng sinh học của các đại dương trên thế giới. Tàu của Pháp và Nhật thu thập mẫu ở những môi trường trung và cao, trong khi tàu của Australia khám phá vùng nước sâu hơn nhờ vào những máy quay điều khiển từ xa.

“Chúng có vây ở khắp mọi nơi”

Riddle cho biết: “Ở một số nơi, từng phân vuông nhỏ của đáy biền đều được sự sống bao phủ. Ở những khu vực khác chúng tôi có thể thấy các vết nứt sâu và những rãnh do băng trôi va chạm với đáy đại dương khi chúng giao nhau.”

Một trong những sinh vật có hình dáng kỳ quái mà các nhà khoa học chú ý là những con tunicates (hải tiêu), loài sinh vật ăn tảo có cấu trúc giống như những ống thủy tinh mỏng dài cao đến gần 1m “trông như những cánh đống hoa anh túc.”

Trông như những bông hoa tu-lip thủy tinh, những con hải tiêu thực chất lại là động vật – kẻ định cư đáy biển đầu tiên của khu vực Nam Dương và mới bị quấy rối vì các vụ va chạm với băng. Các nhà khoa học cho biết loài hải tiêu ăn tảo và có thể phát triển cao đến 1m. (Ảnh: Dailymail)

Những loài sinh vật khác cũng không kém phần kỳ dị.

Riddle trả lời phóng viên: “Chúng có vây ở khắp mọi nơi, trông như những mẩu đung đưa trước miệng. Chúng sống dưới đáy đại dương, vì vậy chúng tiến hóa theo những cách khác nhau để thích nghi với môi trường đáy biển thiếu ánh sáng. Nhiều loài trong số chúng có mắt rất to – những con cá nhìn rất lạ lùng.”

Các nhà khoa học đang lên kế hoạch cho một chuyến thám hiểm kế tiếp trong vòng 10 hoặc 15 năm để khảo sát ảnh hưởng của thay đổi khí hậu lên môi trường của khu vực này.

Tuệ Minh (Theo National Geographic)
  • 5.140