Một loài nhuyễn thể được phát hiện sống tại vực thẳm Nam Cực

  •  
  • 1.405

Các nhà khoa học mới đây đã khám phá ra loài nhuyễn thể Nam Cực (Euphausia superba) sống và kiếm ăn ở độ sâu 3000 mét ở vùng biển bán đảo Nam Cực. Cho đến nay loài giáp xác giống tôm này được cho là chỉ sống ở vùng biển nông. Khám phá này hoàn toàn thay đổi hiểu biết của các nhà khoa học về nguồn thức ăn chính của các loài cá, mực, chim cánh cụt, hải cẩu và cá voi.

Trong bài báo cáo trên tạp chí Current Biology, các nhà khoa học Tổ chức khảo sát Nam Cực Anh Quốc (BAS) và trung tâm Hải dương học quốc gia, Southampton (NOCS) miêu tả cách họ đã sử dụng một thiết bị lặn được điều khiển từ xa (RoV) gọi là Isis để quay những thói quen hoạt động của loài nhuyễn thể mà trước đây chưa được biết đến.

Giáo sư Andrew Clarke thuộc Tổ chức khảo sát Nam Cực Anh Quốc cho biết: Hầu hết các loài nhuyễn thể sống trên bề mặt đại dương, khám phá mới này khiến chúng ta phải nhìn lại một cách kỹ lưỡng hiểu biết của mình về sự phân bố và môi trường sinh thái của những loài nhuyễn thể Nam Cực ở dưới sâu. Thật là một điều ngạc nhiên khi quan sát những loài nhuyễn thể trưởng thành, bao gồm cả những con cái sắp đẻ trứng, sống dưới đáy biển sâu.

Nhuyễn thể Nam Cực - Euphausia superba

Nhuyễn thể Nam Cực - Euphausia superba (Ảnh: Marinebio.org)

Các nhà khoa học đã nghiên cứu về nhuyễn thể kể từ cuộc thám hiểm có tên "Khám Phá" đầu thế kỷ 20. Cuộc thám hiểm hải dương học, sử dụng sự kết hợp kỹ xảo dội âm thanh và các mẫu thí nghiệm, đã chỉ ra phần lớn nhuyễn thể trưởng thành bị giới hạn ở 150 mét nước biển phía trên.

Quyết định mua Isis RoV được khởi xướng bởi giáo sư Paul A Tyler của NOCS. Ông nói: “Việc sử dụng ROV ở Nam Cực đã cho chúng tôi một cơ hội hiếm có để quan sát nhuyễn thể cùng với sự đa dạng của các loài sinh vật sống ở đáy biển có độ sâu từ 500 đến 3500 m. Điều quan trọng của việc quan sát đó là: Chúng tôi không chỉ có thể nhận biết các loài khác nhau mà còn thấy được mối quan hệ giữa các cá thể cũng như mối quan hệ của chúng với môi sinh.”

Khám phá này mang lại những bài học quan trong, Clarke tiếp tục. “Thói quen hoạt động của các sinh vật biển – kể cả những loài khá “nguyên sơ” – cũng có thể phức tạp và đa dạng hơn chúng ta tưởng. Vẫn còn rất nhiều thứ để nghiên cứu về thế giới biển sâu và thám hiểm, thăm dò đóng vai trò quan trọng trong cố gắng tìm hiểu về thế giới chúng ta đang sống”.

Những thước phim chưa từng thấy về loài nhuyễn thể dưới đáy biển được ghi lại bởi ROV lưu tại phòng báo chí BAS cùng với bài báo "Nhuyễn thể Nam Cực sinh sống dưới đáy biển” của Andrew Clarke và Paul Tyler được đăng tuần này trên tờ Current Biology.

Nhuyễn thể Nam Cực (Euphausia superba) ăn các loài thực vật phù du, và chúng lại trở thành mồi cho rất nhiều loài động vật khác bao gồm cá, chim cánh cụt, hải cẩu và cá voi. Thực vật phù du là điểm khởi đầu cho chuỗi thức ăn của sinh vật biển. Nhờ có quá trình quang hợp, chúng có thể lấy cacbon từ khí cacbonic.

Nhuyễn thể sống ở những vùng biển thông thoáng, chủ yếu sống theo đàn tập trung, đạt tới con số cá thể trong đàn lớn vô cùng tại Nam Cực. Nhuyễn thể Nam Cực có thể đạt chiều dài 6 centimet và có tuổi thọ khoảng 5 đến 6 năm. Chúng là một trong những nguồn cung cấp protein lớn nhất trên thế giới. Chúng cũng có thể bị đánh bắt dễ dàng khi dùng những tấm lưới lớn nhằm phục vụ cho nhu cầu của con người. Tổng sản lượng nhuyễn thể tại Nam Cực ước tính vào khoảng 50 đến 150 triệu tấn.

Số lượng nhuyễn thể Nam Cực từ những năm 1970 đã giảm đi khoảng 80%. Lời giải thích xác đáng nhất chính là sự biến mất quá nhiều của những biển băng. Nhuyễn thể ăn tảo nằm dưới mặt lớp băng có vai trò như một nơi trú ngụ của chúng. Bán đảo Nam Cực – là địa điểm sinh sản chủ yếu của loài nhuyễn thể - trong vòng 50 năm trở lại đây đã ấm lên khoảng 2,5oC kéo theo đó là sự sụt giảm chóng mặt của biển băng. Hiện chúng ta vẫn chưa hiểu được rõ ràng và đầy đủ biển băng biến mất có liên quan đến hiện tượng nóng lên như thế nào, nhưng nó lại có thể chính là câu trả lời cho sự sinh tồn của loài nhuyễn thể.

Trà Mi (Theo Physorg)
  • 1.405