Tình xuyên trái đất của những kẻ khổng lồ

  •  
  • 4.662

Cá voi minke ở Bắc Cực và Nam Cực là hai loài riêng biệt và sống ở hai bán cầu của trái đất, song vì một nguyên nhân nào đó mà chúng đã giao phối với nhau và sinh ra con lai.


National Geographic cho biết, hai loài cá voi minke tại Bắc Cực và Nam Cực - đều có chiều dài thân tối đa 11 m - có tập tính di cư theo mùa hoàn toàn trái ngược nhau. Cá voi Bắc Cực di cư về phía cực bắc vào mùa xuân và tới sát các vỉa băng trong Bắc Băng Dương vào mùa hè. Sang mùa thu chúng bơi theo hướng nam để tới vùng nước gần đường xích đạo vào mùa đông.

Ngược lại, cá voi minke ở Nam cực tiến về phía cực nam vào mùa xuân và tới sát các vỉa băng vào mùa hè. Sang mùa thu chúng bơi về hướng bắc để tới vùng nước gần đường xích đạo vào mùa đông.

Nhưng do mùa ở hai bán cầu hoàn toàn trái ngược nhau nên hai loài cá voi không thể cùng tới vùng nước gần đường xích đạo vào một thời điểm. Vì thế, theo lý thuyết chúng không bao giờ gặp nhau.

Con người săn cá voi một cách ráo riết từ thập niên 30 và một số quốc gia vẫn tiếp tục săn lùng chúng tới tận ngày nay, như Na Uy và Nhật Bản.

Na Uy từng cấm săn cá voi trong một thời gian ngắn, song nước này cấp giấy phép trở lại vào năm 1993. Để kiểm soát giấy phép, Na Uy yêu cầu các tàu đánh cá nộp mẫu ADN của những con cá voi mà họ giết. Kho dữ liệu ADN cũng là cơ sở để chính phủ chứng nhận các sản phẩm từ các voi có nguồn gốc hợp pháp.

Kevin Glover, một nhà di truyền học, từng nghe một câu chuyện thú vị từng xảy ra vào năm 1996. Một nhà khoa học đã nhìn thấy một con cá voi minke lạ khi đứng trên tàu ở phía bắc Đại Tây Dương.

"Con cá voi đó không có mảng màu trắng trên vây ngực như cá voi Bắc Cực", National Geographic dẫn lời Glover.

Glover quyết định tìm hiểu sự việc dựa vào kho dữ liệu của chính phủ Na Uy. Ông phát hiện ra rằng, một con cá voi Bắc Cực bị giết ở vùng đông bắc Đại Tây Dương vào năm 2007 được sinh ra bởi một con cá voi Nam Cực. Sau khi phân tích ADN của một con con cá voi minke bị bắt ở khu vực phía bắc Đại Tây Dương vào năm 1996. Kết quả khiến ông sửng sốt, bởi nó là một con cá voi Nam Cực.

Phát hiện của Glover cho thấy cá voi Nam Cực có thể di cư vào những vùng nước mà cá voi Bắc Cực sống. Thậm chí, chúng còn giao phối với cá voi Bắc Cực.

Nhiều câu hỏi được đặt ra. Quá trình giao phối giữa cá voi Bắc Cực và Nam Cực chỉ là một sự ngẫu nhiên hiếm hoi, hay là sự khởi đầu của một xu hướng? Chẳng ai biết câu trả lời, song Nils Oien, một nhà sinh học chuyên nghiên cứu cá voi và cũng là đồng nghiệp của Glovers, đưa ra một giả thuyết thú vị.

Các nghiên cứu tại Nhật Bản cho thấy, số lượng cá voi Nam Cực ở bán cầu nam giảm mạnh trong hai thập niên 80 và 90. Kết quả một số cuộc khảo sát chỉ ra rằng số lượng những loài nhuyễn thể mà cá voi ăn được cũng giảm trong thời kỳ đó.

"Thậm chí, một nghiên cứu còn chứng minh lớp mỡ trong cơ thể cá voi Nam Cực cũng mỏng hơn do lượng thức ăn giảm. Vì thế chúng tôi suy đoán số lượng các loài nhuyễn thể và một số loại thức ăn khác của cá voi Nam Cực giảm nên chúng buộc phải di cư xa hơn để tìm thức ăn. Trong quá trình dư cư một số con đã tới Bắc Cực", Oien phát biểu.

Theo Vnexpress
  • 4.662