Cuộc chiến húc đầu "nảy lửa" của cá vẹt

  •  
  • 1.548

Các nhà khoa học đã rất kinh ngạc khi lần đầu tiên chứng kiến cuộc chiến húc đầu “nảy lửa” của loài cá vẹt tại Bắc Thái Bình Dương.

>>> Video: Cuộc chiến húc đầu "nảy lửa" của cá vẹt

Âm thanh kỳ lạ như là tiếng súng bắn xiên dưới nước bỗng phát ra khi nhóm các nhà khoa học thuộc phòng thí nghiệm Beaufort (Mỹ) đang lặn trong vùng biển Bắc Thái Bình Dương, ngoài khơi đảo san hô Wake Atoll. Hoá ra, đó là tiếng của cuộc chiến húc đầu chưa từng được biết đến của loài cá vẹt sống trong dãy san hô ngầm khổng lồ tại đây.

Một con cá vẹt đực với những vết thương trên thân cho thấy nó vừa trải qua một cuộc chiến húc đầu
Một con cá vẹt đực với những vết thương trên thân
cho thấy nó vừa trải qua một cuộc chiến húc đầu

Loài cá vẹt này, tên khoa học là Bolbometopon muricatum có đầu rất to, phình ra, môi trề và mặt hơi vàng hồng. Cá vẹt trưởng thành có thể dài tới 1,3m và nặng 46kg.

Suốt mùa hè năm 2011, trong khoảng 100 giờ lặn, các nhà khoa học này đã chứng kiến rất nhiều trường hợp tấn công bằng đầu của loài cá này ngoài khơi đảo Wake Atoll. Roldan Muñoz, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết trên Live Science: “Âm thanh chúng tạo ra khi đánh nhau giống như ai đó đang bắn súng bắn xiên ngay bên tai".

Hình ảnh ghi được cho thấy con cá đực bơi thẳng tới đối thủ của nó cho đến khi hai bên đụng đầu mạnh vào nhau. Sau cú va chạm rất đau này, lập tức một con sẽ bơi theo hình bán nguyệt để cắn vào đuôi và bên hông con kia. Sau đó, chúng tách ra, rồi lại húc đầu vào nhau.

Nhóm nghiên cứu quan sát thấy hầu hết các cuộc chiến đều xảy ra vào ban ngày và tại nơi đẻ trứng. Vì vậy, họ phỏng đoán việc chọn bạn tình đã khiến đầu chúng phồng lên và lao vào đối thủ. “Chúng tôi cho rằng các con đực húc đầu vào nhau là để tỏ ra trội hơn đối thủ và giành quyền tiến vào lãnh địa mà sau đó được sử dụng để kêu gọi con cái vào tiến hành giao phối".

Nhưng tại sao một hành vi hung dữ và ồn ào như vậy lại chưa được biết đến? Theo các nhà khoa học, những hành vi như vậy là kết quả của cuộc cạnh tranh giành quyền giao phối của con đực, nên có thể chỉ xảy ra ở những nơi mật độ cá quá cao.

Theo Đất Việt, Livescience
  • 1.548