Kim cương đen tới từ vũ trụ?

  •   42
  • 3.673

Kim cương đen, vốn chỉ xuất hiện ở vài nơi trên Trái Đất, có thể tới từ những thiên thạch có đường kính vài km trong vũ trụ, các nhà khoa học Mỹ tuyên bố. Kim cương đen, còn được gọi là carbonado, chỉ được tìm thấy tại Brazil và Cộng hòa Trung Phi. Không giống như kim cương thường, chúng được cấu thành bởi sự liên kết của hàng triệu tinh thể kim cương.

Điều lạ là kim cương đen có bề mặt rỗ và xốp. Các nhà khoa học cho biết đá ở độ sâu từ 200 km dưới lòng đất không thể giữ không khí bên trong chúng. Áp lực cực mạnh ở đó biến carbon thành kim cương truyền thống.

"Đây là đặc tính khiến chúng tôi nghĩ rằng kim cương đen không được tạo ra dưới lòng đất", Stephen Haggerty, nhà địa chất học tại Đại học Quốc tế Florida, bang Miami (Mỹ), phát biểu.

Do kim cương đen chỉ được tìm thấy ở hai nơi trên hành tinh và chưa bao giờ xuất hiện ở những mỏ khai thác kim cương thông thường nên một số nhà khoa học cho rằng chúng có nguồn gốc từ vũ trụ.

Haggerty tin rằng chúng tới từ một thiên thạch rơi xuống Trái Đất cách đây vài tỷ năm - khi hành tinh xanh và Mặt Trăng bị tàn phá nặng nề bởi "đá trời". Chính vì thế nên tuổi của kim cương đen dao động từ 2,6 tới 3,8 tỷ năm.

Cũng vào thời gian đó, Nam Mỹ và châu Phi là một lục địa thống nhất. Điều này giải thích cho việc tại sao kim cương đen chỉ xuất hiện ở hai lục địa đó, Haggerty nhận định.

Kim cương đen được tìm thấy tại Brazil có thể đến từ ngoài vũ trụ.
Kim cương đen được tìm thấy tại Brazil có thể đến từ ngoài vũ trụ. (Ảnh: Steve Haggerty)

Haggerty và cộng sự tin rằng kim cương đen từng là một phần của một ngôi sao siêu lớn cách đây vài tỷ năm. Sử dụng máy bắn gia tốc tại Phòng thí nghiệm quốc gia Brookhaven ở New York, họ phát hiện khí hydro trong kim cương đen. Điều này cho thấy chúng tới từ một nơi giàu hydro trong vũ trụ.

Khi ngôi sao siêu lớn nổ tung, bụi kim cương được giải phóng và trở thành một phần của đám bụi khí tạo thành hệ Mặt Trời của chúng ta. Trải qua thời gian, chúng cô đặc thành những khối lớn và dính chặt vào các thiên thạch, Haggerty giải thích. Chính vì thế mà quang phổ của kim cương đen có các thông số tương tự như những viên kim cương được tìm thấy trong các thiên thạch, cũng như kim cương quan sát được trên vũ trụ.

Việt Linh

Theo Newscientist, Vnexpress
  • 42
  • 3.673