Làm việc luân phiên là kết quả của tiến hóa

  •  
  • 721

Phân công làm việc luân phiên không chỉ là một thói quen tốt – nó thực ra còn là kết quả của tiến hóa, các nhà tâm lý học thuộc đại học Leicester tiết lộ sau một nghiên cứu mới đây.

Nghiên cứu của khoa Tâm lý trường đại học Leicester nhằm giải thích hiện tượng làm việc luân phiên đã tiến hóa như thế nào qua các loài. Kết luận rút ra là có một “bàn tay vô hình” qua tiến hóa chỉ đạo hành vi của chúng ta trong vấn đề này. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hành động này có thể được tái tạo trên mô hình bằng thuật toán máy tính và các quy luật gen cơ bản.

Giáo sư Andrew Colman và tiến sĩ Lindsay Browning đã tiến hành nghiên cứu và sẽ công bố kết quả trên tờ Evolutionary Ecology Research tháng 11 tới. Nghiên cứu này nhằm giải thích quá trình tiến hóa của hành vi phân công làm việc luân phiên.

Giáo sư Colman nói: “Ở trong từng nhóm người, phân công làm việc luân phiên thường được lên kế hoạch và điều hành với sự trợ giúp của ngôn ngữ. Ví dụ, những người chung sống trong một ngôi nhà thường đồng ý với việc rửa bát sau bữa ăn hay đưa trẻ tới trường theo thứ tự tuần hoàn. Nhưng việc tuân theo thứ tự lần lượt được ghi nhận là đã tiến hóa qua nhiều loài khác – những loài không có ngôn ngữ hay khả năng đi tới một thỏa thuận sau thương lượng. Đó là vượn, khỉ, chim, và linh dương - các con trong đàn ở những loài này thường lần lượt chải lông cho nhau. Hoặc là chim cánh cụt Nam Cực – mỗi đôi chim vợ chồng sẽ thay phiên nhau ra biển kiếm ăn trong khi con còn lại ở nhà ấp trứng hoặc chuẩn bị sinh con".

“Hiện tại giới khoa học vẫn chưa hiểu sự phân công lân lượt đã tiến hóa như thế nào ở những loài không có ngôn ngữ, hay đây là kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên để đạt được lợi ích cá nhân của mỗi cá thể trong loài.”

Nghiên cứu mới cho thấy phân công làm việc luân phiên là một hành vi hệ quả của sự tiến hóa, và có thể được tái tạo trên mô hình bằng thuật toán máy tính và các luật gen cơ bản. (Ảnh: iStockphoto/Darren Baker)

Các nhà nghiên cứu nói rằng hiện tượng “ăn miếng trả miếng” – tức lặp lại hành động mà cá thể kia đã làm với mình trong quá khứ - có thể giải thích cho sự hợp tác đồng bộ, nhưng không đủ để giải thích cho phân công lân lượt. “Ví dụ, nhiều loài thú vật cùng đi săn theo cặp hoặc đàn lớn, và điều này chính là hợp tác đồng bộ. “Ăn miếng trả miếng” tỏ ra rất hiệu quả trong việc khởi đầu và duy trì dạng hợp tác này.”

“Nhưng khi hợp tác đi kèm với phân công lân lượt, thì bản năng “ăn miếng trả miếng” chỉ có thể đóng vai trò duy trì, chứ không thể bắt đầu cho quá trình này. Ví dụ, ở một cặp chim cánh cụt, nếu cả hai cùng đi kiếm ăn hoặc cùng ấp trứng một lúc, thì “ăn miếng trả miếng” là chưa đủ để biến thành thói quen phân công lần lượt làm việc.”

Với việc sử dụng lý thuyết trò chơi tiến hóa và mô hình trên máy tính, giáo sư Colman và tiến sĩ Browning đã khám phá ra sự biến đổi đơn giản của ý thức “ăn miếng trả miếng” để giải thích phân công theo thứ tự lân lượt có thể tiến hóa như thế nào ở các động vật theo đuổi lợi ích cá nhân một cách tự nhiên.

Các nhà nghiên cứu phát biểu: “Làm việc theo thứ tự xuất hiện sau khi một loài đã phát triển ít nhất hai dạng khác nhau về gen có hành động khác nhau trong những tương tác ban đầu. Sau đó, ngay khi một cặp tình cờ hợp tác, theo bản năng chúng sẽ bắt đầu “ăn miếng trả miếng”. Điều này ràng buộc chúng vào tình trạng làm việc luân phiên để có lợi cho cả hai. Nếu không có sự đa dạng gen, làm việc luân phiên không thể phát triển đơn giản theo cách này.”

Giáo sư Colman cho biết thêm: “Trong mô hình của chúng tôi, các cá thể là những chương trình máy tính – chúng hoàn toàn không biết nói, hoạt động một cách máy móc và ích kỷ một cách thuần túy. Tuy nhiên, cuối cùng chúng cũng đi đến chỗ làm việc theo thứ tự lần lượt trong một sự phối hợp hoàn hảo. Chúng tôi đã công bố những bằng chứng gián tiếp để chứng minh điều này năm 2004; và giờ đây chúng tôi có thể chứng minh trực tiếp và có một cách giải thích rất đơn giản cho điều đó. Các phát hiện của chúng tôi xác nhận rằng hợp tác không phải khi nào cũng cần tới sự rộng lượng hay tính toán kĩ càng. Ít nhất, dạng hợp tác này - làm việc theo thứ tự lần lượt - cũng được điều khiển bởi một “bàn tay vô hình”, giống như trong thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin.”

Nghiên cứu này sử dụng một thuật toán gen được phát triển đặc biệt và được tài trợ kinh phí thông qua giải thưởng Auber Bequest Award của Viện hàn lâm Quốc gia Scotland và Hiệp hội Hoàng gia Edinburgh.

Tham khảo:

Andrew M. Colman & Lindsay Browning. Evolution of cooperative turn-taking. Evolutionary Ecology Research, 2009; (forthcoming)

G2V Star (Theo ScienceDaily)
  • 721