Những công nghệ chôn cất kỳ quặc nhất

  •  
  • 3.998

Những nền văn minh thế giới xưa nay đã thực hành đủ loại công nghệ chôn người chết dị thường, từ ướp xác dưới hầm mộ, đến phơi xác giữa trời cho thú rỉa thịt, đến táng xác dưới đáy biển sâu làm nhà cho cá hay đưa xác vào vũ trụ.

Danh sách dưới đây là 8 “công nghệ” mai táng kỳ lạ nhất do trang Newscientist tổng hợp.

Chôn cất ngoài trời (Thiên táng)

Theo Phật giáo, thi thể người quá cố ở Tibet không được chôn dưới đất mà phải dâng cho chim kền kền rỉa thịt, để giúp người đã mất nhanh chóng trở về với đất mẹ. Nghi lễ an táng được tiến hành tại các địa điểm ngoài trời tại một chân núi, dưới sự chủ trì của các nhà sư. Người Tibet mong muốn thi thể người chết có linh hồn trong sạch và nếu bất kỳ phần thịt nào bị chim bỏ lại đều nghĩa là có điềm xấu. Sau khi kền kền ăn hết thịt, xương còn lại được đập nát vụn ra cho chim ăn nốt.

Theo Newscientist, những người Zoroastria ở Ba Tư cổ đại cũng có truyền thống tương tự, một phần còn duy trì ở Ấn Độ ngày nay. Thi thể của người quá cố được phơi trên đỉnh một tòa tháp cao, nhằm dâng thể xác bẩn thỉu cho thần mặt trời và những con chim ăn mồi. Người ta dọn tất cả những gì còn lại của xác ấy nhiều tháng sau, và đem chôn vào một cái hầm bên dưới chân tháp.

Ướp xác mộ táng

Có những dân tộc mong muốn thi thể người chết phân rã thật nhanh, lại có những nền văn hóa khác muốn lưu giữ càng lâu càng tốt. Ướp xác mộ táng thuộc vào loại thứ hai. Tuy công nghệ ướp xác Ai Cập nổi tiếng bậc nhất, song nó không phải là độc quyền của người Ai Cập. Ướp xác phổ biến trên toàn thế giới, từ Phương Đông đến Peru. Những thầy ướp xác luôn giữ kín phương pháp ướp xác của họ.

Bức ảnh này thể hiện xác ướp 2100 tuổi tìm thấy ở Trung Quốc được đặt tên là Xin Zhui hay còn gọi "Bà Dai". "Bà Dai" đã tồn tại cùng với thời gian và các nhà nghiên cứu bệnh học ngày nay vẫn có thể tiến hành khám nghiệm tử thi bà. Vợ của một quí tộc đời nhà Hán này có thể đã chết vì một cơ đau tim sau khi ăn hạt dưa hấu.

Nghĩa trang tự nhiên

Các khu rừng hoang dã được dùng làm "nghĩa trang xanh" ngày nay đang trở nên phổ biến ở phương Tây khi các khu nghĩa địa nhân tạo đang "cạn" dần. Người ta đem chôn cất những bình tro hỏa táng, quan tài và thi thể khâm liệm ở nhiều khu đất khác nhau như đồng cỏ và các khu rừng hoang dã.

Thông thường ta dùng bia mộ để đánh dấu mộ táng ở các nghĩa trang, nhưng những nghĩa trang tự nhiên thường sử dụng công nghệ định vị vệ tinh GPS để hướng dẫn địa điểm không được đánh dấu cho khách. Nghĩa địa xanh RuheForsten trong ảnh là một cánh rừng tự nhiên ở Đức.

An táng dưới biển

Thay vì được "cất thành mả" trên đất liền, một nắm tro hài cốt có thể được làm thành một cây san hô nhân tạo dưới biển. Tro hài cốt khi đốt được chôn trong những mộ bê tông chắc chắn dưới những vùng biển nông, nơi san hô tự nhiên không sinh sống. Những ngôi mộ này tiếp đó trở thành "mái ấm" cho nhiều loài sinh vật. Người Mỹ xây mộ táng san hô nhân tạo ở rất nhiều khu vực dọc bờ biển phía Đông.

Hóa lỏng trong dung dịch kiềm

Hóa lỏng thi thể là một công nghệ thân thiện môi trường, thay thế hỏa táng. Xác chết được đưa vào một khoang nén đầy khí bazơ Kali hiđroxit mạnh. Sau khi đun nóng khoang nén 3 tiếng, tất cả những gì còn lại là tro cốt đã được khử trùng và xương mềm có thể được đập vụn ra, rồi lưu trữ trong bình hoặc đem rắc bỏ đi.

Ướp xác cho tương lai

Những ai mong muốn sau khi chết có cơ hội sống lại trong tương lai có thể trở thành tình nguyện viên tại các trung tâm bảo tồn đông lạnh ở Mỹ. Các nhà khoa học sẽ dìm thi thể, hoặc chỉ phần đầu trong dung dịch nitơ, hi vọng sẽ tìm được cách đưa xác chết trở lại cuộc sống ở một dạng thức nào đó.

Nhà sáng lập phương pháp đông lạnh này, ông Robert Ettinger mới mất gần đây và đã được bảo tồn đông lạnh bên hai bà vợ tại Viện Đông Lạnh phi lợi nhuận ở bang Michigan, Hoa Kỳ. Bức ảnh này là một phòng làm việc tại Trung tâm bảo tồn đông lạnh Alcor ở bang Arizona, Hoa Kỳ.

Bảo quản bằng chất dẻo

Năm 1977, khoa học gia Von Hangens đã phát triển một kỹ thuật plastic hóa để dự trữ xác chết cho mục đích giảng dạy và nghiên cứu. Quá trình này bao gồm việc làm đông cứng cơ thể và sau đó thay thế đá băng bằng axeton và tiếp đến bằng polyme. Công chúng đã tranh cãi rất nhiều về nguồn của một vài thi hài plastic hóa, tuy nhiên Von Hagens nói rằng một số lớn người đã tình nguyện hiến cơ thể họ cho dự án bất tử hóa này.

Gửi xác vào vũ trụ

Thi thể người chết giờ đây có thể tiếp cận thiên đường nếu họ đủ khả năng tài chính. Cha đẻ của loạt phim khoa học viễn tưởng Star Trek, ông Gene Roddenberry là một trong những người đầu tiên thuê người phóng tro hài cốt của bản thân lên vũ trụ năm 1997. Tuy nhiên, hài cốt Gene Roddenberry đã không ở đó vĩnh viễn. Sau nhiệm vụ 5 năm vòng quanh Trái đất, tàu vũ trụ đó đã mang tro cốt của ông trở lại khí quyển.

Hiện tại, có một chương trình tàu vũ trụ tưởng niệm được thực hiện bởi công ty Celestis ở bang Texas, Mỹ tiếp tục gửi một ít tro hài cốt người chết vào vũ trụ nhằm giúp “những người chết có thể cưỡi tàu vũ trụ bay vòng quanh Trái đất”. Trong tương lai, chôn cất trên vũ trụ có thể trở thành vĩnh viễn, với những kế hoạch gửi di hài lên Mặt trăng và vào sâu hơn trong vũ trụ.

Theo Vietnamnet
  • 3.998