Đã tìm thấy quái vật hồ Loch Ness

  •   3,713
  • 46.131

George Edwards, thuyền trưởng người Scotland, người đã dành nhiều thập kỷ tìm kiếm con quái thú sống tại hồ Loch Ness, vừa đưa ra tuyên bố cuối cùng ông đã tìm thấy loài vật bí ẩn này và có được bức ảnh bằng chứng về nó.

>>> Quái vật hồ Loch Ness giống khúc gỗ mục?

Ngày 2/11/2011, từ trên boong tàu của mình, Edwards tình cờ chộp được hình ảnh một vật giống như cái bướu khổng lồ nhô lên khỏi mặt nước. “Nó có màu xám và di chuyển chầm chậm về phía Urquhart Castle, cách thuyền khoảng nửa dặm”, Edwards nói. Ông đã theo dõi trong khoảng 5-10 phút trước khi nó từ từ chìm xuống nước và không nổi thêm lần nào nữa. Edwards cho biết lý do đến bây giờ mới công bố phát hiện này là vì muốn các chuyên gia kiểm tra một cách chắc chắn và khẳng định đây không phải là một con cá tầm như nhiều trường hợp từng nhầm lẫn trước đó.

Tuy vậy, những mô tả của Edwards cũng đặt ra nhiều câu hỏi. Ví dụ, nếu ông quan sát nó từ 5 đến 10 phút, tại sao lại chỉ có một bức ảnh trong khi hoàn toàn có thể chụp được hàng chục thậm chí hàng trăm bức. Và mặc dù đối tượng đó có vẻ lớn nhưng sẽ rất khó xác định kích thước nếu không biết chính xác khoảng cách (cho dù ông đã nói nó cách con tàu khoảng nửa dặm) trong khi gần đó cũng chẳng có vật gì để so sánh hay phán đoán. Tùy thuộc vào độ gần với chiếc máy ảnh mà chiều dài của nó sẽ dao động rất lớn, 1,5m hoặc tới tận 15m.

Còn rất nhiều ẩn số xung quanh nhưng nếu thông tin Edwards đưa ra là chính xác, nó có thể cung cấp một đầu mối quan trọng giúp nhận dạng “quái vật”.

Thuyền trưởng George Edwards khẳng định đây chính là con quái thú sống tại hồ Loch Ness mà nhiều người đang tìm kiếm.
Thuyền trưởng George Edwards khẳng định đây chính là con quái thú sống
tại hồ Loch Ness mà nhiều người đang tìm kiếm. (Ảnh: Cascade News)

Trong quá khứ, những vật thể bí ẩn nổi lên khỏi hồ nước như Edwards mô tả cũng từng xuất hiện không ít, nổi tiếng nhất phải kể đến “Champ”. Người ta tin rằng đây là con thủy quái sống ở hồ Lake Champlain (Vermont) sau khi xem xét bức ảnh do một phụ nữ tên Sandra Mansi chụp lại. Tuy nhiên, “sinh vật” này về sau đã được chứng minh gần như chắc chắn chỉ là một thân cây nổi trên mặt nước nhờ loại khí tạo ra trong quá trình phân hủy. Vào thời gian đó, nó trông giống hệt một cái bướu khổng lồ, sau đó sẽ bị chìm dần.

Các chuyên gia đã đưa ra những chi tiết tạo nên sự bất thường cho mỗi bức hình khiến nhiều người bị “lừa” hết lần này đến lần khác như sau: không giống như một sinh vật hay gợn sóng thông thường xuất hiện chỉ vài giây và tạo ra hình ảnh mờ mờ, vật thể bí ẩn đó thường giữ ở trạng thái tĩnh trong vài phút, cho phép hình ảnh thu được sắc nét hơn, rõ ràng hơn. Mô tuýp quen thuộc sau đó sẽ là chìm xuống đáy hồ và không bao giờ trở lại.

Hơn nữa, cả Lake Champlain và Loch Ness đều có nhiều đặc điểm tương đồng như cây cối ven bờ rất rậm rạp và cũng đều có lý do để nghi ngờ rằng hiện tượng thủy văn trong tự nhiên là yếu tố chính tạo nên hình ảnh 2 con quái vật này.

Ngoài ra, cũng không thể loại trừ khả năng đây là chủ đích của con người được thúc đẩy bởi một động lực kinh tế nào đó. Như trường hợp của Edwards, có hay không việc sử dụng hình ảnh nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch nơi đây là câu hỏi vẫn còn nằm trong vòng nghi vấn.

Có thể Edwards không hề làm giả bức ảnh, nhưng cũng chẳng loại trừ khả năng người ta cố tình gán ghép sự xuất hiện đó với con “quái thú” hình dạng không rõ ràng - nghe dễ chấp nhận hơn những lời giải thích mang tính khoa học. Nếu là một con cá, nó chỉ dừng lại ở một câu chuyện truyền miệng đơn thuần nhưng nếu bằng cách nào đó nó trở thành “bằng chứng tốt nhất” liên quan đến thủy quái Nessie, thông tin này ngay lập tức sẽ mang tầm quốc tế.

Quái vật hồ Loch Ness lần đầu tiên thu hút sự quan tâm của thế giới vào những năm 1930 sau khi bức ảnh cho thấy một cái đầu và phần cổ ngoằn ngoèo kỳ lạ được bác sĩ phẫu thuật tên là Kenneth Wilson công bố rộng rãi. Thời điểm đó, người ta luôn tin rằng đây là “bằng chứng tốt nhất về Nessie” và phải đến khoảng 10 năm sau, sự thật về một trò lừa bịp mới được làm sáng tỏ.

Chưa ai có thể khẳng định mối liên hệ giữa bức ảnh của Edwards với quái vật hồ Loch Ness trong truyền thuyết nhưng có một điều chắc chắn rằng nó không phải là “bằng chứng tốt nhất” đầu tiên và cũng chưa thể là “bằng chứng tốt nhất” cuối cùng.

Theo Đất Việt, Livescience
  • 3,713
  • 46.131