Những lần nhật thực nổi tiếng trong lịch sử

  •   42
  • 11.960

Chiều ngày 13/11 (theo giờ địa phương), những người sống ở bờ bắc của Australia đã có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng nhật thực toàn phần đầu tiên tại nước này trong một thập niên qua. Theo các nhà thiên văn học, lần nhật thực toàn phần tiếp theo sẽ không xảy ra cho tới năm 2015.

Từ xa xưa, con người từng quan sát được hiện tượng Mặt trăng "nuốt chửng" Mặt trời trong vài phút mặc dù trong thực tế, nhật thực toàn phần (xảy ra khi Mặt Trăng đi qua giữa Trái đất và Mặt trời, che khuất hoàn toàn Mặt trời khi quan sát từ Trái đất) có thể kéo dài cả tiếng đồng hồ như ngày nay. Trước đây, người ta thường vẫn coi hiện tượng thiên văn kỳ thú này là điềm báo về một chuyện lạ sắp xảy ra, sự phẫn nộ của thần linh hay chúa trời hoặc ngày diệt vong của một triều đại.

Dưới đây là một số vụ nhật thực nổi tiếng nhất trong lịch sử thế giới, theo thống kê của trang Live Science:

Nhật thực Ugarit

Là một trong những lần nhật thực sớm nhất trên thế giới từng được ghi nhận, nhật thực Ugarit đã khiến bầu trời đột nhiên tối sầm lại trong 2 phút, 7 giây vào năm 1374 trước Công nguyên. Các nhà sử học thuộc nền văn minh Lưỡng Hà (Mesopotamia) tại Ugarit, một thành phố cảng ở phía bắc Syria, từng viết, Mặt trời đã "bị đẩy vào thế hổ thẹn" trong suốt thời gian xảy ra nhật thực này.

Eclipse

Nhật thực ở Trung Quốc thời kỳ đầu

Năm 1302 trước Công nguyên, các nhà sử học Trung Quốc đã ghi chép một vụ nhật thực toàn phần khiến Mặt trời bị Mặt trăng che khuất hoàn toàn trong 6 phút và 25 giây. Vì Mặt trời là biểu tượng của hoàng đế nên nhật thực được coi là lời cảnh báo đối với nhà cầm quyền. Sau mỗi lần nhật thực, vị hoàng đế đương nhiệm sẽ ăn chay và tiến hành các nghi lễ cầu cúng nhằm giải cứu Mặt trời, theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Journal of Astronomical History and Heritage năm 2003.

Nhật thực Assyria

Năm 763 trước Công nguyên, ở đế chế Assyria (có phạm vi chiếm đóng là Iraq ngày nay), đã xảy ra nhật thực toàn phần trong 5 phút. Các ghi chép từ đó có đề cập rằng, hiện tượng nhật thực toàn phần này xảy ra cùng thời điểm với một cuộc khởi nghĩa ở thành phố Ashur. Điều này cho thấy, người cổ đại có thể đã gán cho 2 sự kiện này một sự ràng buộc liên ứng nào đó.

Chúa Jesus bị đóng đinh

Các sách phúc âm của Cơ đốc giáo viết rằng, bầu trời đã bị tối sầm lại trong nhiều giờ đồng hồ sau khi Chúa Jesus bị đóng đinh lên cây thánh giá - hiện tượng mà các nhà sử học xem như một chuyện lạ hoặc điềm báo về thời kỳ đen tối đang đến. Viện dẫn thiên văn học, các nhà sử học sau này đã đề cập tới sự cố này như một sự ám chỉ về cái chết của Chúa. Trong khi một số nhà sử học gắn việc Chúa bị đóng đinh với một vụ nhật thực hoàn toàn kéo dài trong 1 phút 59 giây, xảy ra vào năm 29 sau Công nguyên, thì số khác lại nhắc tới lần nhật thức thứ 2, khi Mặt trời bị Mặt trăng che khuất hoàn toàn trong 4 phút, 2 giây vào năm 33 sau Công nguyên, như thời điểm đánh dấu ngày về trời của Chúa.

Sự ra đời của đấng tiên tri Mohammed

Kinh Koran có đề cập đến một hiện tượng nhật thức trước khi nhà tiên tri Mohammed chào đời. Các nhà sử học sau đó gắn sự kiện này với 1 lần nhật thực toàn phần kéo dài 3 phút, 17 giây vào năm 569 sau Công nguyên. Mặt trời cũng biến mất trong 1 phút, 40 giây sau cái chết của Ibrahim - con trai của nhà tiên tri Mohammed. Tuy nhiên, tín đồ Hồi giáo đầu tiên của thế giới đã không tin nhật thực là một điềm báo của Chúa trời. Thay vào đó, theo các văn tự của Hồi giáo có tên gọi là Hadith, nhà tiên tri Mohammed từng tuyên bố: "Mặt trăng và Mặt trời không bị che khuất vì cái chết hay sự ra đời của bất kỳ ai".

Nhật thực vì vua Henry

Khi vua Henry I của nước Anh qua đời năm 1133, sự cố này xảy ra trùng hợp với một hiện tượng nhật thực toàn phần kéo dài trong 4 phút, 38 giây. Sử sách từng ghi rằng, "bóng tối đáng sợ" bao trùm trái tim của những người dân. Sau cái chết của vua Henry I, một cuộc tranh giành quyền lực và ngai vàng đã đẩy vương quốc này vào rối loạn và nội chiến.

Nhật thực của Einstein

Trong khi người xưa coi nhật thực là điềm báo cho các hành động phi thường của Chúa trời, các nhà vật lý coi nhật thực năm 1919 là một thắng lợi của khoa học. Trong lần nhật thực chấn động năm 1919, trong đó, Mặt trời bị che khuất hoàn toàn trong 6 phút, 51 giây, các nhà khoa học đã đo được chỗ cong của ánh sáng từ các ngôi sao khi chúng dịch chuyển gần Mặt trời. Các kết quả thu được đã xác thực thuyết tương đối rộng của Einstein, vốn mô tả lực hấp dẫn là sự uốn cong của không gian - thời gian.

Theo Vietnamnet, Livescience
  • 42
  • 11.960